Chương 2: Chương 2

Năm ấy giặc phương Bắc xâm chiếm nước Nam. Nạn dân đầy đường, nhìn mà xót đau. Triều đình vẫn luôn kêu gọi tráng sĩ từ mọi vùng miền gia nhập quân đội. Có mấy trai tráng làng tôi đã đi rồi đấy.

Một hôm, chàng cầm trên tay tờ đơn, hí hửng như trẻ được kẹo mà khoe với tôi rằng chàng sẽ tòng quân.

Tôi tá hỏa, "Kìa mình! Chàng là phận văn nhân, lấy đâu ra dũng mà xông pha chiến trường?"

Chàng cười, "Tôi là văn nhân thật, nhưng tôi cũng biết võ cơ mà!"

"Thì quả là vậy. Nhưng ngộ nhỡ..."

"Nàng không tin tưởng tôi đấy à?" Chàng buồn lòng hỏi.

"Thiếp tin chàng. Nhưng chiến trường đao kiếm không mắt, lỡ đâu..." Tôi ngừng lại, khẽ vuốt ngực bình ổn tâm trạng, "Lỡ đâu chàng đi rồi không trở về nữa, thiếp phải làm thế nào?"

"Thì tôi đợi nàng nơi chín suối. Ta cùng nhau bước vào luân hồi."

Nhưng than ôi chàng hỡi, thiếp nào muốn chia ly.

Mấy ngày liền tôi cứ rũ rượi suốt, ăn được chừng lưng bát thì buông đũa. Lòng chẳng muốn ăn, cơm ngon đến mấy cũng như không. Hàng xóm thấy, khuyên tôi nên giữ sức khỏe, thế mới tốt cho con. Tôi xoa nhẹ bụng rồi thở dài, "Đến cả con cũng chẳng giữ chân chàng được."

Ừ, chàng bạc bẽo với tôi thế đấy!

"Nàng đừng buồn phiền nữa. Ra đấy mà lập được công danh, tôi sai kiệu tám kẻ khiêng đến rước nàng, nàng nhé." Sau ngày nộp đơn đăng kí được mấy hôm, một tối nọ, khi ngọn đèn dầu được thổi tắt, chàng khẽ khàng tiến đến giường, ôm chầm lấy tôi thì thầm. Chàng nói thế thôi, chứ tôi biết chàng cũng sợ lắm.

Chàng ơi, thiếp đâu cần kiệu hay phú quý gì. Thiếp chỉ cần chàng thôi.

Tôi van, mà chàng đâu có nghe. Đơn đăng kí cũng đã nộp đi rồi.

-----

Chàng đi mấy lượt quanh nhà. Hết ngồi xuống phản lại đứng ngoài hiên ngóng tin. Sáng giờ đợi mãi mà vẫn chưa có thư triều đình gửi xuống cho chàng.

"Nàng ơi, tôi nôn nóng quá!" Chàng nắm hờ tay tôi mà thủ thỉ, mắt vẫn hướng ra ngoài. Chàng chẳng đoái hoài đến tôi đâu.

"Mình ơi...", tôi gọi khẽ.

Chàng ngước nhìn tôi, "Gì vậy nàng?"

Tôi toan nói nhưng rồi nuốt vội câu vào lòng, tránh đi ánh mắt chàng. Một lâu sau mới dám thủ thỉ, "Chàng có khát không? Thiếp vào đun nước pha cho chàng ấm chè nhé?"

"Nàng hẳn cũng mệt rồi. Để tự tôi đi pha." Chàng đi vội vào bếp, rồi cứ ở lì trong đó.

Đã là phu thê, nên chàng biết tôi định nói gì, hiểu nhau quá nên mới đành lảng tránh. Còn tôi, vì hiểu chàng, mà chẳng nỡ cấm cảm bước chân chàng.

Nỡ thế nào được? Tôi sao có thể để chàng sống với tủi hổ.

Chàng thương tôi, nhưng chàng lại thương Nước, thương đồng bào hơn.

Câu chữ cứ mắc nghẹn trong cổ họng, có cố thế nào cũng chẳng nói thành lời. Lại buồn một nỗi, cho dù có nói ra, cũng không lay được ý chàng.

Chàng ơi, đừng đi. Đừng đi

Thiếp nào muốn chờ đợi hết tuổi xuân.

Chàng ơi, đừng đi. Đừng đi.

Thiếp nào mong âm dương chia đôi lứa.

Chỉ dám giấu ở đáy lòng thôi.

-----

Chàng từng bảo đã là đấng nam nhi thì phải cống hiến cho đất nước, dâng trọn tấm lòng cho hòa bình nước Nam. Cho dù không lập được công cao, cũng không thẹn với lòng. Cái chí phải đặt trên muôn dân.

Nhưng chàng hỡi, tấm lòng thiếp chỉ đủ chứa chàng mà thôi. Nào có to lớn được như thế. Chàng đi rồi, thiếp biết sống sao?

Ngày hay tin chàng được chọn đi lính, tôi cứ thẫn thờ mãi, mặc chàng đi quanh làng khoe với mọi người. Hôm ấy, tôi khóc mệt quá nên chẳng thể khóc tiếp được. Tôi rúc vào lòng chàng, ôm chặt lấy chàng rồi ngước nhìn chàng bằng đôi mắt đỏ hoe.

Tôi vẫn chẳng thể nói nên câu, tôi chẳng dám nói nên câu.

Chàng hiểu, nên chàng chỉ thở dài, "Đừng làm khó tôi, mình nhé."

Hai chữ "Mình nhé" sao lại nặng nề đến thế?

-----

Ẩn quảng cáo


Chàng vẫn chẳng mảy may dao động, một mực chuẩn bị hành lý. Chúng tôi chẳng thế nói với nhau câu nào. Buồn quá rồi, nên chẳng thể mở miệng được. Không rõ buồn của chàng nặng hơn hay là hờn của tôi nặng hơn.

Còn bao ngày nữa là phải chia ly đây?

Thiếp buồn tủi lắm rồi, mình à!

-----

Ngày chàng đi, xóm làng đi tiễn đông lắm. Họ nhắn nhủ chàng, vỗ vai, chúc may chàng. Có mấy cụ còn làm ít cơm nắm cho chàng mang đi đường. Còn tôi, tôi chẳng làm gì cả. Tôi chỉ biết đứng đực ra đấy, cố lưu giữ hình ảnh chàng sâu trong đáy mắt, sâu trong con tim. Khóc mệt rồi, nên chẳng muốn khóc nữa. Than nhiều quá, nên tôi chỉ đành lặng im. Chàng quay sang dịu dàng hôn lên trán tôi, thủ thỉ bảo tôi đợi chàng.

Chàng bảo tôi đợi chàng.

Chàng chẳng muốn xa tôi, nhưng chàng vẫn chọn rời đi. Còn tôi, tôi vẫn sẽ luôn chọn đợi chàng.

Mỉa mai thay, tôi vẫn sẽ luôn chọn chờ đợi chàng.

Bóng chàng đi xa rồi khuất dạng, vậy mà tôi vẫn nhìn theo. Tôi cứ nhìn mãi, nhìn mãi. Chàng lại chẳng hề ngoái nhìn tôi thêm lần nào. Chắc hẳn chàng sợ sẽ chùn bước chân. Tôi nắm chặt váy, chàng sợ là thế, vậy mà vẫn nằng nặc đòi đi sao? Tôi không hiểu, mà cũng chẳng muốn hiểu.

Hiện thực đối với tôi khắc nghiệt quá!

Chàng bỏ tôi mà đi rồi!

-----

Mấy hôm nay trở trời, bụng dạ cứ khó chịu suốt. Có một hôm đau quá, tôi sợ mà chẳng có sức ngồi dậy, đau đến không dám động đậy gì. Chẳng hiểu con nó làm sao nữa.

Sợ rồi, nên lại nhớ đến chàng

Nếu chàng ở đây thì tốt. Ừ, nếu chàng ở đây thì tốt rồi.

May có bác hàng xóm sang chơi, thấy tôi mồ hôi đầm đìa, cắn chặt môi đến mức túa máu, bác hoảng quá liền chạy đi gọi thầy lang.

Trong lúc cuống cuồng, bác ta lỡ lời bảo, "Chồng mày ở đây thì tốt rồi. Tao yếu quá..." Nói chưa dứt câu thì im bặt.

Tôi nghe mà tự cười cho cái phận mình.

Đời bạc như vôi, khổ quá rồi!

-----

Nhớ lại khoảng thời gian trước đây mà hoài niệm, chẳng dám bước tiếp. Tương lai mù mịt như thế, tôi lại phải đơn độc đương đầu. Lắm khi tôi cứ ngồi đừ ra, mặc cho cảm giác trống rỗng bủa vây lấy thân tôi.

Gánh trên vai nợ chồng, nợ con. Đến bao giờ mới trả đủ!

-----

Đến khi bế trên tay đứa con đầu lòng, tôi mới tường cái lẽ đời nghiệt ngã, rằng tôi mà không mạnh mẽ, chẳng ai mạnh mẽ thay tôi được.

"Con ơi, con ngoan nhé. Con ngoan, con đợi thầy với mẹ, nghe con."

Gánh trên vai cả trách nhiệm của một đàn ông, vừa là mẹ, mà cũng là thầy. Oán trách chàng cũng chỉ đến thế, đành đợi lời hứa của chàng đơm hoa. 

Lắm lúc muốn khóc mà phải dằn mình phải mạnh mẽ. Tôi phải mạnh mẽ vì con, nó còn cần tôi.

Chàng ơi, thiếp đợi chàng nhé. Đợi chàng về với thiếp. Đợi chàng về với con.

-----

Viết bao lá thư mà mãi chẳng nhận được hồi âm, tôi sốt ruột lắm! Bao đêm tôi chẳng thể ngủ, cứ ngồi trên giường mà oán trách hành động của chàng. Trách xong lại thấy xót xa không biết chàng sống thế nào. Ấu trĩ thật, nhưng tại nhớ quá!

Nhớ quá, chàng ơi!

"Chàng có biết rằng đêm đầu tiên không chàng ở bên, thiếp thao thức mãi mà chẳng ngủ được không. Chàng ơi!"

Cứ ngỡ cả đời mãi quấn quýt,

Ngoảnh đầu nhìn lại chỉ mình ta.

-----

Tôi vô tình nghe cụ già đầu làng kể cho mấy đứa trẻ về Hòn Vọng Phu. Cụ kể nhập tâm như chính cụ là người chứng kiến vậy. Vừa nghe thôi mà ruột gan tôi cứ thắt cả lại, tôi chạy một đường về nhà, quên béng mất tôi ra chợ để làm gì. Về đến nhà, lấy tay áo lau mặt mà thấy ướt đẫm, chẳng biết là do nước mắt hay mồ hôi. Chân tay cứ bủn rủn, tôi cố ôm thật chặt đứa con của tôi và chàng.

Vừa sợ mà vừa nhớ chàng.

Ẩn quảng cáo


Tôi lo cho chàng quá!

-----

Có mấy đêm tôi mơ được đoàn tụ gia đình, lúc tỉnh dậy cứ ngỡ thật mà chạy ào ra sân. Chờ hồi lâu mới ngậm ngùi đi vào.

"Ước rằng giấc mơ này có thể thành thực, chàng nhỉ."

Có tiếng gió rì rào hưởng ứng, như tiếng ai oán trách phận chia ly.

-----

Tin tức thắng trận đã được truyền khắp từng ngõ ngách. Nhà nhà, người người đều ra đường mà ôm chầm lấy nhau, nước mắt lã chã. Tôi cũng khóc, nhưng là bởi chàng sẽ chẳng về.

Chàng chẳng thể về nữa rồi.

Ai cũng khóc nhưng rồi sẽ cười, mình tôi khóc rồi lại khóc tiếp. Bao điều còn chưa ngỏ lời, chàng đã xa tôi rồi. Lời chàng hứa chưa kịp kết trái, chàng đã bỏ tôi rồi.

Suốt mấy ngày liền, tôi cứ đứng trước cổng làng, đợi một bóng hình quen thuộc. Đợi, rồi nước mắt cứ rơi lã chã.

Chàng đâu còn nữa.

Tối đó, xóm làng tôi tổ chức tiệc linh đình lắm. Trưởng làng cứ dạo vài vòng quanh xóm reo mừng cho cái vui của Nước, của dân. Chỉ có điều, lại chẳng phải cái vui của tôi. Tôi cũng chuẩn bị một mâm cỗ thịnh soạn, khăn áo gọn gàng ngồi đợi một người sẽ chẳng về. Cả làng cứ vui là thế, mà tôi chẳng cười nổi. Tôi cô đơn quá!

"Giặc bị đánh đuổi về nước rồi kìa, mà sao chàng vẫn chưa về? Thiếp vẫn đợi chàng mà. Chàng bảo thiếp đợi chàng mà. Chàng ơi!"

Mộng xưa vẫn tại, hoen đôi mắt,

Lẳng lặng giấu đi nỗi tủi phiền.



"Thiếp vẫn đợi chàng về. Chàng mau mau về bên thiếp đi. Sao lại thất hứa như vậy? Sao lại bỏ thiếp lại một mình? Tại sao vậy? Chàng ơi!"

Vẫn nặng cái duyên, tình chẳng dứt,



"Chàng ơi, chàng xem con tập chữ này. Chữ nó giống chàng lắm! Chàng từng bảo sẽ dạy con chữ mà? Sao còn chưa về? Chàng ơi!"

Đợi chờ khắc khoải, chẳng hồi âm.

Con lớn con khôn, chưa thấy mặt,



"Chàng xem, chúng ta có cháu rồi này. Trông cháu nó trộm vía lắm. Chàng mau về ngắm cháu đi. Chàng ơi!"

Tư sắc năm nào nay héo úa.

Cảnh tuy còn đẹp, người đâu mất?



"Chàng à, chàng đợi có lâu không? Thiếp đến đây, thiếp đến với chàng đây. Chàng ơi!"

Ta đứng trước hiên, đợi nắng tàn.



Chàng bảo tôi đợi chàng, nhưng chàng không hề hứa rằng chàng sẽ trở về.

Chàng không hứa, nên không thực hiện được.

Còn tôi, thì đợi được chàng rồi.

Thiếp đợi được rồi. Thiếp đợi được chàng rồi.

Kẻ đời nhìn nhân sinh mà than vãn, "Lắm lúc chỉ mong được sinh cùng thái bình thôi, bà nó ạ. Vui sướng biết bao khi ngày ngày đều được no ấm, sum vầy cùng người thân. Ra đến chiến trường mà chết trận, khổ nhất vẫn là mụ đàn bà!"

------------------------------

Lắm kẻ thở than cùng vận nước,

Mấy ai xót cho kiếp góa chồng.
Báo cáo nội dung vi phạm
Ẩn quảng cáo

Nhận xét về Chủ bỏ ngoài trăng đứng một mình

Số ký tự: 0