Chương 5: Chuyện ở Chân Đăng

Kể cũng lạ thật, mới hôm qua khắp nơi còn rũ rượi trong tiết sương mù nồm ẩm, thế mà chỉ sau một đêm trời đã trong như ngọc, cây cối được dịp vươn mình đón lấy nắng ráo. Tưởng như từng thớ đất đều đang xông lên mùi thơm ngọt mát của cỏ rêu sau mưa, mà gió trời cũng đưa tới những hương cau, hương bưởi biết mấy dịu lành. Ngồi trên xe ngựa, Quách Tuấn phóng tầm mắt nhìn ra xa, những ruộng mạ non xanh mướt nối đuôi nhau xen kẽ vài ao rau cần tươi rói, trông đến là mát mắt.

- Rau cần tươi thế này mà ăn chung với cháo ám thì ngon phải biết.

Tạ Đức nhoài người ra ngoài nom mấy thửa ruộng rồi chép miệng bảo vậy. Vừa nghe nhắc tới cháo ám, trong đầu Quách Tuấn liền hiện lên hình ảnh nồi cháo hoa trắng muốt điểm chính giữa một nhúm gừng vàng, bên cạnh là đĩa cá quả luộc rải hành trần, cùng những lát thịt ba chỉ mọng nước xếp thành hàng trên lá chuối, miếng nào miếng nấy đều chằn chặn. Nhân lúc cháo còn nóng thì múc lấy một chén ăn chung với thịt cá, đương cái vị ngọt bùi cay cay tan dần trên đầu lưỡi thì nhúng ngay một đũa rau cần rồi bỏ tọt vào miệng. Ôi thôi, cái vị thanh mát béo ngậy quện vào nhau cứ gọi là hết sảy. Tưởng tượng đến đây, Quách Tuấn không khỏi nuốt nước miếng. Tạ Đức thấy thế liền cười ha hả, sau lại nói tiếp:

- Cháo ám dưới quê nó không cầu kì như trên kinh thành đâu. Ra đồng nếu bắt được cá to thì việc đầu tiên là phải lọc thịt rồi phơi khô, để đó trữ ăn dần. Còn phần xương sẽ đun nước dùng, nấu cùng ít gạo cũ. Cháo loãng nhúng với rau cần, chẳng thịt thà mắm muối mà ngon đáo để. Thường vào đợt giáp hạt, nhà ai còn gạo thì đều nấu món đó, cho tiết kiệm.

- Giáp hạt là sao ạ?

- Chính là độ tháng ba, khi lúa cũ đã ăn hết mà lúa mới chưa chín. Còn nhớ thời Ngọa Triều cai trị, trong nước loạn lạc liên miên làm dân chúng chẳng có thì giờ mà làm ăn. Cảnh xác người chết đói nằm vạ bên đường không hiếm lạ gì. Đất không đủ để chôn, ai đi qua có lòng thì đắp cho manh chiếu rách vậy thôi.

Nói đến đây ngài chợt đăm chiêu, mắt vẫn dõi theo những ruộng mạ xanh tươi lướt qua bên đường mà lại như nhìn vào một khoảng không nào khác. Mãi tới khi Quách Hoài Văn đưa tay đặt lên vai ngài, Tạ Đức mới bừng tỉnh lại. Ngài nắm lấy tay vợ mân mê một lát rồi mỉm cười với cô. Không biết có nhầm lẫn gì không, nhưng trong một khoảnh khắc, Quách Tuấn như thấy mắt ngài rơm rớm.

- Nhưng bây giờ thì khác rồi. - Tạ Đức tiếp lời. - Từ khi tiên đế lên ngôi, kêu gọi người dân về nơi cũ sinh sống, làm ăn. Tháng giáp hạt cũng không nghiêm trọng như xưa nữa. [1]

Quách Tuấn vừa nghe vừa gật gù, xong chợt nhớ ra điều gì đó liền sốt sắng hỏi:

- Nếu nạn giáp hạt đã được trị dứt điểm, sao chú còn phải mang theo nhiều gạo về như vậy?

Tạ Đức cũng không trả lời ngay mà hỏi ngược lại:

- Theo cháu là vì sao?

Quách Tuấn chống cằm suy nghĩ, mục đích chính của chuyến về Chân Đăng lần này là dâng hương bái tổ, hành trang mang theo không nhiều nhặn gì. Tạ Đức thuê thêm ba thuyền cốt là để chở gạo phân phát cho thôn dân. Nhưng theo những gì cậu biết thì ngoài việc kêu gọi dân chúng về nơi cũ làm ăn, tiên đế còn từng hai lần ra lệnh miễn thuế tổng cộng sáu năm, mà trong sáu thứ thuế đề ra cũng chỉ thu có bốn. Sau khi Khai Thiên vương lên ngôi, cũng tức là thánh thượng hiện tại, hễ năm nào đói kém hoặc đi đánh dẹp về đều sẽ giảm thuế cho dân. Có thể thấy hầu như không cần tới cá nhân đứng ra cứu tế, nhưng công việc phát chẩn gạo này xem chừng đã được Tạ Đức thực hiện trong thời gian dài chứ không chỉ ngày một ngày hai.

Sau khi suy xét hồi lâu, Quách Tuấn mới ngồi thẳng lưng dậy, hai tay để trên đùi, nhìn thẳng vào Tạ Đức quả quyết nói:

- Ruộng không có thì lấy gì làm ăn?

Nhận được câu trả lời này Tạ Đức chợt thấy mừng vui trong dạ. Câu hỏi đưa ra vốn đã vượt ngoài tầm hiểu biết của một đứa trẻ mười hai tuổi, ấy thế mà Quách Tuấn vẫn có thể nói trúng, quả không uống bấy công ngài tin tưởng vào tư chất của thằng bé, thậm chí còn vất vả nài xin Lê Phụng Hiểu tới tận nhà dạy dỗ.

- Chính xác. - Tạ Đức cười nói. - Quan điền do quan địa phương chịu trách nhiệm đứng ra phân chia cho các hộ trong khu vực. Được chia ruộng hay không, chia bao nhiêu thì còn phải xem anh có bao nhiêu “thành ý”. [2]

Nghe đến đây Quách Tuấn không khỏi buột miệng thốt lên:

- Đúng là cái đám mọt dân! Quan điền chia về làng xã vốn là để dân có kế sinh nhai, nhưng thực tế vẫn là đất của công. Sao lại dám qua mặt triều đình, ăn trên đầu trên cổ bách tính như vậy?

- Gần đây còn có thường xảy ra chuyện lợi dụng tranh chấp đất đai giữa các làng để thu lợi bất chính. Thậm chí là mua chuộc đám du thử du thực để kích động mâu thuẫn trong dân. Vậy mới nói, chính sách đưa ra tuy là tốt, giúp người dân có cơ hội an cư lạc nghiệp nhưng nếu vào tay kẻ lòng dạ đen tối thì chẳng khác nào đẩy dân vào hố lửa.

Tạ Đức nói mà như gằn ra từng tiếng, đây là lần đầu tiên Quách Tuấn thấy ngài nói chuyện nặng lời như vậy nên cũng phần nào mường tượng được mức nghiêm trọng của vấn đề. Suy xét một hồi, cậu lại hỏi tiếp:

- Quan lại địa phương lũng loạn nhưng chẳng phải còn Tri châu và Thông phán [3] sao? Do họ vô tri không phát hiện được vấn đề hay bởi tất cả đều cùng…

Lời còn chưa nói hết thì đã bị Quách Hoài Văn đưa tay chặn ngay trước miệng.

- Chuyện ở Chân Đăng không phải để hai chú cháu nghị luận. - Nói tới đây cô quay sang nhìn Tạ Đức, cau mày nói tiếp. - Cứ cái thói nói năng không biết chừng mực này có ngày cả nhà mang vạ.

Ngài Thị lang nhún vai không nói nữa nhưng sắc mặt coi bộ bực bội lắm. Quách Hoài Văn thấy chồng như vậy cũng chỉ biết thở dài. Còn Quách Tuấn thì lại tò mò không biết thế lực ở Chân Đăng rốt cuộc là thần thánh phương nào mà có thể khiến Quách Hoài Văn, một người ngay cả thượng tướng Lê Phụng Hiểu cũng dám móc mỉa phải dè chừng đến thế.

Không khí im lặng chỉ bị phá vỡ khi đoàn xe dừng lại trước một thôn nhỏ gần chân núi Nghĩa Lĩnh. Lũ trẻ đang chơi đánh đáo [4] trước cổng thôn vừa trông thấy Tạ Đức bước xuống xe liền quăng hết đồ nghề, nhao nhao chạy về phía ngài. Đứa ôm hông đứa bá cổ chẳng có chút vẻ dân sợ quan trên. Tạ Đức cũng vậy, mới ban nãy còn lầm lì mà giờ đã tươi như hoa, cười đến híp cả mắt. Sau một hồi láo nháo, đám trẻ liền kéo áo ngài lôi vào trong thôn, vừa lôi vừa í ới gọi người lớn ra đón.

- Mọi người ơi, chú Đức lại về rồi này!

Chẳng mấy chốc, dân thôn từ bốn phía đã ào ra như ong vỡ tổ. Tạ Đức bị cả đám người vây kín không thấy tăm tích, mà Quách Tuấn cũng chỉ biết đứng ngây ra như phỗng nhìn cảnh tượng lạ lùng. Ngẫm lại hồi cha cậu còn tại thế, tuy có danh hiền đức đấy, nhưng chưa bao giờ gần gũi với dân chúng tới mức này.

- Thấy lạ lắm đúng không?

Sau khi đốc thúc phu xe dỡ hàng xong xuôi, Quách Hoài Văn mới đi tới bên cạnh cậu cháu hỏi han. Thấy Quách Tuấn gật đầu lia lịa thì không khỏi phì cười mà rằng:

- Chú con mồ côi từ nhỏ, được thôn dân chung tay nuôi nấng nên thân thiết vậy mà.

Nói rồi một tay bế con, một tay đặt sau lưng Quách Tuấn dẫn cậu cùng vào thôn.

Gia đình Tạ Đức dành thời gian cả ngày hôm đó cho việc phân phát gạo. Giữa cơn túng quẫn gặp được cứu tinh, thôn dân đương nhiên đều mừng vui ra mặt. Không ngớt lời khen ngài Thị lang là người trọng tình trọng nghĩa, tấm lòng đáng quý này ắt có phúc báo về sau. Tạ Đức nghe xong chỉ lắc đầu cười xòa, cho rằng đây là phận sự của mình, không dám nhận công.

Đến sẩm tối, đương lúc chuẩn bị ngồi vào bàn ăn thì có người tới mời Tạ Đức sang nhà trưởng thôn dùng bữa. Ngài được tin liền cắp quạt đi luôn, Quách Hoài Văn tính dặn dò mấy câu mà mắt trước mắt sau ngài đã lẩn mất, làm cô tức đến mức giậm chân bồm bộp.

Dè đâu tới tận khuya vẫn chưa thấy chồng về, Quách Hoài Văn lo lắng đi qua đi lại trước cửa, đầu ngón tay cái đã bị cô cắn tới tróc hết da. Chị Hương chong đèn đứng cạnh không khỏi xót ruột bảo:

- Bà đừng lo quá, ông con sẽ biết chừng mực mà.

- Cô thì biết cái gì! - Quách Hoài Văn vặc lại. - Đừng thấy ông cô ngày thường điềm đạm mà nhầm. Cứ thử chuyện liên quan tới Chân Đăng xem, lại chẳng rồ lên như gà chọi. Bận trước cũng thế, nếu không nhờ Lê công viết thư can ngăn chỉ e to chuyện rồi.

- Thì bà cũng biết đó giờ ông con xem Huyện lệnh vùng này như cha ruột. Xảy ra chuyện như thế, ông tức giận cũng là lẽ đương nhiên.

Ẩn quảng cáo


- Tôi cấm ông cô tức giận khi nào? - Quách Hoài Văn la lên, xong lại thấy mình hơi thất thố bèn dịu giọng nói. - Nếu là ở trong phủ, ngài ấy có nói quàng xiên cũng chỉ có người nhà mình nghe, tôi chẳng chấp. Nhưng chỗ này tai vách mạch dừng, ngộ nhỡ rượu vào lời ra, tới tai ai kia thì rách việc.

Ngẫm ra bà nhà nói cũng có lý, chị Hương bắt đầu thấy hơi sờ sợ bèn đánh bạo bảo:

- Hay là để con chạy qua nhà trưởng thôn xem ông thế nào rồi.

Lúc Quách Hoài Văn còn đang đắn đo không biết làm sao từ xa có tiếng người vọng tới. Chẳng ai khác chính là mấy thanh niên trong làng đang khiêng Tạ Đức đã say bí tỉ trở lại nhà.

- Mẹ cha cái dòng đỉa đói hút máu người, hết thằng bố lại tới thằng con!

Tạ Đức lảo đảo, hết ngả sang bên nọ lại ngật sang bên kia, phải ba người đỡ mới ráng lết đi được, ấy thế mà cái miệng vẫn lè nhè nói năng không ngừng. Quách Hoài Văn tái trắng cả mặt vội vàng chạy tới đỡ chồng, vừa chặn miệng Tạ Đức vừa khẽ nạt.

- Thôi thôi, mình bé bé cái mồm lại cho em nhờ.

- Việc gì phải bé mồm? Tôi cứ nói thật to cho cả thiên hạ biết đấy! Giờ tôi đi nói thẳng vào mặt cái bọn khốn nạn ấy cho mình xem!

Tạ Đức chửi oang lên, gạt tay vợ ra toan trở ngược lại nhưng chưa đi nổi một bước người đã liêu xiêu té nhào. May mà có mấy cậu thanh niên nhanh tay chụp lại không thì cũng ngã vỡ đầu chẳng chơi. Nhưng kẻ say thì có biết sợ là gì, mới yên vị chưa nổi nửa khắc, ngài Thị lang đã lại vùng vằng gân cổ chửi tiếp. Quách Hoài Văn tức mình liền vò ngay chiếc khăn tay nhét vào miệng chồng, động tác nhanh gọn dứt khoát tới mức đám trai làng chỉ biết trố mắt ra nhìn. Xong xuôi, cô nàng thản nhiên quay ra cười bảo:

- Phiền mấy cậu kéo ngài ấy về phòng hộ tôi nhé.

Không biết vì sao, nhưng nụ cười ngọt lịm của vị phu nhân xinh đẹp trước mặt lại khiến cho đám thanh niên lạnh cả sống lưng. Người nào người nấy cun cút nghe theo lệnh, một đường khiêng thẳng Tạ Đức về phòng, không dám chậm trễ.

Sáng hôm sau gia đình Tạ Đức vẫn lên núi bái tổ theo đúng lịch trình, riêng ngài Thị lang bởi tối qua quá chén nên đành nghỉ lại ngôi chùa ở lưng chừng núi, mọi việc cúng lễ giao hết cho Quách Hoài Văn.

- Vậy mới nói, cha mẹ con, lại cả anh em con nữa, suốt ngày chăm chăm khen ngợi chú, có biết đâu việc gì cũng đến tay cô. Ngài ấy chỉ giỏi mỗi khoản ăn cơm nhà thổi tù và hàng tổng thôi.

Một tay phất quạt, một tay day trán, Quách Hoài Văn ngồi tựa vào gốc cây than thở. Số là không hiểu tối qua chè chén thế nào, Tạ Đức lại đứng ra nhận việc chủ trì tế tổ cho cả thôn, mà ngài say quá có kịp dặn dò người nhà đâu. Phải tới sáng dân chúng khiêng đồ đạc bu kín cửa thì Quách Hoài Văn mới ngã ngửa, tính hỏi tội ông chồng mà ngài đã lanh chân trốn tọt lên chùa. Báo hại cô một thân một mình quay như đèn cù, mãi không hết việc.

Quách Tuấn chỉ biết cười phụ họa, nhanh nhảu phụ mấy chị hầu xếp đồ cúng và vàng mã ra khay, được một lát lại nghe thấy Quách Hoài Văn kêu trời.

- Sao mà tay chân mặt mũi đỏ lè đỏ lẹt thế kia hả trời?

Nghe nói vậy Quách Tuấn mới nhận ra hai bàn tay với quần áo mình đã dính đầy phẩm màu từ lúc nào. Nghĩ một lúc mới ngớ ra là do đống vàng mã bị ẩm gây nên. Mọi người xung quanh từ mấy chị hầu cho tới thôn dân, ai nấy trên người đều dính chút phẩm. Cơ mà riêng Quách Tuấn có phần nổi trội hơn một chút, phẩm đỏ bôi cả lên tận mặt, thảm nào nãy giờ người ta cứ nhìn cậu cười tủm tỉm miết. Quách Hoài Văn bất lực ôm đầu, lát sau thở dài thườn thượt nói.

- Thôi, con xuống dưới chùa xem chú con thế nào rồi hộ cô.

- Cô cần con mang đồ ăn xuống cho chú không?

Quách Hoài Văn vội xua tay:

- Thôi khỏi, để ổng nhịn đói cho chừa.

Bị bà cô đuổi khéo, Quách Tuấn đành lủi thủi một mình đi bộ xuống núi. Ban sáng, cả đoàn người vội vã chỉ chăm chăm leo núi cho nhanh kẻo lỡ giờ cúng lễ. Nên tới tận bây giờ, cậu mới có tâm trạng thăm thú khung cảnh xung quanh. Cảnh núi rừng thì hầu như chỗ nào cũng như nhau, vẫn là cây cối thâm u mọc chen chúc, vẫn là bầu không khí ẩm thấp lành lạnh. Nếu bảo khác thì hẳn bởi ngọn núi Nghĩa Lĩnh này mang trong mình chút yếu tố huyền sử nên khiến người ta cảm thấy có phần trang nghiêm hơn chăng? Quách Tuấn nghĩ thầm như vậy, nhẩn nha nhìn gió nhìn mây, từ từ men theo triền dốc đi về phía ngôi chùa ở lưng chừng núi.

Không tận mắt nhìn thì thôi, giờ chứng kiến rồi mới thấy Quách Hoài Văn mô tả không quá lời chút nào. Ngôi chùa trước mắt Quách Tuấn nếu dùng từ “giản dị” để hình dung thì vẫn còn sang chán. Nói thật, nếu không phải phía trước chùa có dựng cọc treo mành, đề ba chữ “Tọa Nhai Tự” thì chắc cậu còn tưởng đây là nhà dựng tạm của thợ săn khi đi rừng. Cả khuôn viên độc có ba bốn gian nhà, ngoài gian chính giữa được xây mái ngói thì mấy gian còn lại đều lợp lá. Đến cổng chùa đàng hoàng cũng không có mà chỉ được quây lại bằng hàng rào tre, phía sau hàng rào mạn tay trái là một khu rậm rạp toàn cây với cối, hẳn là vườn thuốc của nhà chùa. Nhìn khung cảnh tiêu điều vắng vẻ trước mặt, Quách Tuấn chợt lại thấy hơi chùn chân. Đương lúc băn khoăn không biết có nên xông thẳng vào không thì sự chú ý của cậu va phải một cái hố nằm chình ình ở sát triền núi. Nhớ hồi sáng khi đi qua đoạn này, thôn dân đều đồng loạt chắp tay hành lễ rồi mới đi tiếp. Lúc đó người đông cỗ cao, Quách Tuấn không rõ họ đang lạy cái gì, giờ xem chừng chính là miệng hố kia rồi.

Khó ngăn được được cơn tò mò, Quách Tuấn mon men tiến lại gần thì mới phát hiện ra đấy không phải hố mà là một miệng giếng được xây nông gần sát mặt đất. Thành giếng được xếp bằng những khối đá gồ ghề màu xám đục nhưng nước bên dưới lại trong veo thấy cả đáy. Dưới ánh nắng ban trưa, những gợn sóng nước không ngừng loang bóng trên thành giếng trông vô cùng huyền ảo. Quách Tuấn càng ngắm càng say mê, như có một cỗ ma lực vô hình nào đó thôi thúc cậu ngắm nhìn sâu hơn nữa.

- Con nhìn thấy gì ở dưới đó vậy?

Giọng nói xa lạ bất chợt vang lên bên tai khiến Quách Tuấn giật mình sực tỉnh. Vừa quay qua thì gặp ngay một gương mặt già nua với cái đầu trọc lốc làm cậu ngơ ra không biết phản ứng thế nào. Có vẻ sư thầy tưởng đâu cậu nghe không rõ nên nhẹ nhàng hỏi lại:

- Con thấy gì ở dưới giếng thế?

- Ơ, dạ... ánh sáng, à không, nước. Con thấy nước ạ.

Quách Tuấn ú a ú ớ như cắn phải lưỡi, mãi mới nói được một câu tròn vành rõ chữ.

- Vậy sao? - Sư thầy mím môi gật gù, chép miệng mấy cái rồi lại cười bảo. - Nếu nhìn sâu hơn con sẽ thấy cả hoa nữa đó.

- Dạ?

Với thời gian ngắm nghía từ nãy tới giờ thì Quách Tuấn có thể cam chắc trong giếng chẳng còn gì ngoài đá với sỏi. Nhưng có lẽ bởi vị sư thầy này đây được trời phú cho một gương mặt phúc hậu dễ gây thiện cảm nên cậu cũng không ngại nghe theo ông mà kiểm tra thêm một lượt. Tuy vẫn không thấy bông hoa nào nhưng cậu lại tìm được một túi tiền nhỏ màu chàm nằm khuất dưới vành miệng giếng, nếu không để ý kĩ thì khó mà phát giác ra được. Quách Tuấn cúi người nhặt túi tiền lên xem thử, và ngạc nhiên thay, mặt túi vừa hay thêu một cành hoa đào. Đường kim tuy không thẳng thớm cho lắm nhưng hoa văn vẫn rất có hồn, mà thậm chí còn bởi tay nghề vụng về mà thêm phần e ấp đáng yêu.

- Con tìm thấy túi tiền của…

Quách Tuấn toan cho nhà sư xem túi tiền mình vừa tìm được, nhưng vừa quay lại đã chẳng thấy bóng dáng ông đâu nữa. Xung quanh vắng tanh vắng ngắt, tưởng chừng như chuyện ban nãy là do cậu tưởng tượng ra vậy. Quách Tuấn gãi đầu vài cái, cuối cùng dắt tạm túi tiền vào thắt lưng rồi tiến thẳng vào chùa.

Trong chùa cũng vắng vẻ chẳng kém gì vẻ bề ngoài của nó. Hương vòng ở gian chính giữa hẵng còn nghi ngút khói, trên giá đặt cuốn kinh để mở, cho thấy rằng mới đây thôi còn có sư thầy ngồi đây tụng niệm, phải chẳng chính là nhà sư kỳ lạ mà cậu mới gặp ban nãy? Sau một hồi lượn quanh nhưng không thu được kết quả gì, đến cả Tạ Đức cũng như thể bốc hơi, Quách Tuấn trái lại có một dự cảm chẳng lành. Đương lúc cậu toan trở ngược lên đền thượng tìm Quách Hoài Văn thì bỗng đâu có người gọi lại:

- Cậu gì đằng đó ơi.

Một vị sư trẻ không biết từ đâu xuất hiện, bưng theo một chậu hoa hồng từ tốn đi tới trước mặt cậu. Sư thầy và hoa hồng… đúng là một tổ hợp kỳ quặc.

Ẩn quảng cáo


- Cậu là người nhà của Thị lang họ Tạ đúng chứ? Ngài ấy đang nghỉ trong căn phòng treo đèn lồng đỏ ở khu sau, cậu qua đó mà tìm.

Nghe được tung tích của Tạ Đức, Quách Tuấn vô cùng mừng rỡ nhưng cậu còn chưa kịp cảm ơn thì sư trẻ đã tiếp lời:

- Thị lang họ Tạ nặng nghĩa xưa nên cố giữ gian nhà cũ. Nhưng cái chốn dột nát mối mọt ấy, nhà chùa quyết phải đập đi xây mới, chứ để lâu sợ xông sang gian khác. Cậu cũng nên khuyên chú mình vài câu, người cao sang nán lại nơi như vậy, ngoài lấm bẩn tấm thân thì có được lợi gì.

Không đâu bị ăn chửi thay ông chú chú, Quách Tuấn đúng thật dở khóc dở cười. Nói tới Tạ Đức, cậu có thể khẳng định đây là một người đàn ông với hằng hà sa đức tính tốt, đáng để học hỏi. Nhưng đồng thời cậu cũng phải thừa nhận rằng ngài còn có một vài mặt tính cách hơi… trái khoáy. Tạ Đức thường hay tiếc của, không phải tiếc kiểu bủn xỉn hà tiện, nói đúng hơn là ngài hay tiếc rẻ cái tình xưa nghĩa cũ. Phàm những đồ dùng đã lâu nếu hỏng hóc thì ngài thường cố sửa lại chứ không thay mới, bởi quen hơi rồi bỏ đi không đành. Quách Hoài Văn ban đầu còn khó chịu ra mặt nhưng dần dà cũng đành thuận theo chồng. Cô hay bảo rằng, đến đồ đạc ngài ấy còn nặng lòng như vậy thì chắc không đến nỗi giàu đổi bạn, sang đổi vợ đâu. Tuy thấy lời này của Quách Hoài Văn khá có lý, nhưng mà nặng lòng đến mức cố thủ không cho nhà chùa tu sửa phòng ốc thì cũng thật không phải phép.

Xấu hổ không biết để đâu cho hết, Quách Tuấn chắp tay vái một xá rồi bảo:

- Đúng là đã làm phiền nhà chùa rồi. Để con qua đó nhắc chú một tiếng ạ.

Vị sư trẻ tuổi gật gù mấy cái, sau đó đột nhiên ấn dúi chậu hoa hồng vào tay Quách Tuấn.

- Đây là quà cho khách từ nơi xa tới, cậu mang qua đó một thể đi.

Dứt lời liền bỏ đi mất dạng. Nhìn chậu hoa nằm chình ình trên tay, Quách Tuấn không khỏi tự nhủ. Quả đúng là người tu tập trên núi có khác, từ già đến trẻ nói năng đều chưng hửng chẳng đầu chẳng đuôi.

Theo sự chỉ dẫn của vị sư trẻ, Quách Tuấn đi vòng ra khu nhà phía sau, vừa hay tìm thấy căn phòng có treo lồng đèn đỏ. Nhưng còn chưa kịp gõ cửa thì đã nghe thấy tiếng người nói vọng ra.

- Sao Sạ còn chưa tới nữa? Đã là giờ nào rồi?

Người nói có vẻ là một nam giới trẻ tuổi, giọng nghe chừng sốt sắng lắm. Nhưng ngay sau đó lại có một giọng nam khác thản nhiên đáp lại:

- Giờ này chưa tới thì tức là không muốn tới, chứ còn sao chăng gì nữa. Em cũng đoán trước được rồi.

- Xem ra anh em mấy người cũng chẳng thân thiết lắm nhỉ? Tôi vẫn nghĩ nó sẽ nể mặt Tông Thuận mà tới gặp kìa.

Giọng nói thứ ba này, Quách Tuấn nghe cái liền nhận ra ngay giọng của Tạ Đức. Nhưng lạ chỗ câu từ của ngài rất gãy gọn, không hề có biểu hiện của một người đang say rượu. Thậm chí còn có phần thâm trầm khác với thường ngày.

- Nó thì nể ai? Trung sứ [6] do trên cử xuống mà nó còn dám phá kia mà. Trên đời này, người tin thằng đó khù khờ chắc chỉ có anh Long Diên đây thôi.

- Chú không cần nói mát. - Giọng nam sốt sắng mới rồi gắt lên, nhưng lại lập tức chuyển sang lo lắng. - Chuyện giờ mà vỡ lở ra đấy thì thằng Sạ chết chắc mà tụi mình cũng chẳng được yên thân.

- Sai! Chuyện vỡ lở ra thì Tạ Đức tôi chẳng hề gì, có khi còn thăng quan tiến chức. Chỉ họ Lê mấy người là không yên thôi.

Ban đầu thấy cách nói chuyện của Tạ Đức hoàn toàn thay đổi, Quách Tuấn còn hồ nghi mình nhận lầm người nhưng giờ thì có thể khẳng định được rồi. Chuyện uống say gây rối đêm qua cũng như việc chủ trì tế lễ hôm nay, giờ rõ ràng đều là kế hoạch của Tạ Đức. Ngài nhân lúc đông người không ai chú ý trốn ở đây hội họp. Quả đúng như cha cậu khi còn sống thường nói, “đám văn nhân không kẻ nào đơn giản cả”.

Mà lời Tạ Đức ban nãy nghe chừng có sức sát thương lắm, người đàn ông kia mới dịu giọng được một chút đã liền la lớn:

- Bạn bè chí cốt cả chục năm, anh nói thế mà nghe được à?

Tạ Đức không chịu kém cạnh, vặc lại ngay:

- Gớm, lúc em trai mấy người hại thầy tôi bị bãi chức thì chắc cũng vị tình nghĩa lắm ấy.

- Thị lang đại nhân đã ghi thù như thế thì sao không tâu thiên tử bắt người luôn đi? Việc gì phải tới tận đây nói hờn nói mát cho thêm nhọc thể?

- Tôi đã định vậy lâu rồi! - Tạ Đức hét lớn kèm theo đó là tiếng đập bàn rất mạnh. - Đúng là làm ơn mắc oán!

Đứng ở tận ngoài cửa mà Quách Tuấn vẫn nghe rõ mồn một tiếng bước chân xồng xộc của Tạ Đức nhưng chưa ra tới nơi đã đột nhiên ngưng lại. Một giọng nam khác từ tốn vang lên:

- Quen biết bao năm, tôi biết anh không phải người hẹp lượng. Hôm nay chịu đến đây tức là có ý giúp bọn tôi rồi. Anh khoan hãy nóng giận, ngồi xuống kể tôi nghe thử tình hình trên kinh thế nào?

Tạ Đức nghe khuyên coi bộ cũng xuôi xuôi, bằng chứng là ngài đã trả lời theo đúng yêu cầu của người kia:

- Mấy hôm trước Đô thống thượng tướng quân Lê Phụng Hiểu cùng Thái phó Ngô Thượng Đinh nhận lệnh đi công cán. Tôi đã dò hỏi nhiều nơi nhưng không tra ra được cụ thể là việc gì… cơ mà khả năng cao có liên quan tới chuyện phân chia quan điền.

Câu chuyện đến đây đã nằm ngoài sức tưởng tượng của Quách Tuấn, đi kèm với đó là hàng loạt những câu hỏi không ngừng nảy ra trong đầu. Hai người đàn ông kia là ai? Tại sao Tạ Đức lại bằng lòng giúp đỡ họ? Chẳng lẽ ngài cũng dính dáng tới án tham ô? Suy nghĩ này vừa xuất hiện liền bị Quách Tuấn gạt đi ngay.

Giọng nam thứ hai tiếp tục phân tích:

- Tân đế không phải người đơn giản đâu anh Diên ạ. Năm đó ba vương vây tới tận cửa cung, mà vừa động binh cái đã dẹp yên ngay được [5]. Anh thực sự nghĩ chỉ là binh tới tướng ngăn, hoàn toàn không có trù bị gì sao? Cái em lo sợ nhất lúc này là tân đế biết nhưng vờ như không biết, chỉ chờ thằng Sạ gây tội lớn liền kéo cả họ Lê chúng ta xuống nước.

- Cậu nói thế nào chứ, năm đó Thần Vũ Hoàng đế [6] tự lập. Nếu không nhờ cha cậu ra mặt ủng hộ thì sao có thể dẹp yên điều tiếng trong triều. Lẽ nào họ Lý tính ăn cháo đá bát?

Tạ Đức tiếp lời, giọng nghe chừng có chút mỉa mai:

- Khi xưa Ngự Man vương thức thời, biết lấy lùi làm tiến nên giữ được đất châu Phong [7]. Đức Thái Tổ để giữ tiếng hiền đức, sau khi trừ bỏ Minh Đề, Minh Sưởng thì hết sức hậu đãi tộc nhân họ Lê [8]. Nhưng mà tình hình giờ khác rồi, nhờ ơn ai kia nên tiếng tăm họ Lê các anh ngày càng tệ. Chuyện sáu năm trước châu Phong nổi loạn, chúa thượng hẵng còn nằm lòng đấy [9].

- Vậy giờ phải làm sao? Lý nào chúng ta lại chịu chết chùm với thằng ngu đó!

Ngự Man vương? Hậu duệ của Đại Hành Hoàng đế? Phải rồi, trước đây cậu từng nghe Quách Hoài Văn kể rằng Tạ Đức có một người bạn học thân thiết họ Lê, cũng nhờ người này tiến cử nên ngài mới được ra làm quan. Tuy biết chắc thân thế người này không đơn giản, nhưng thật không ngờ lại là hậu duệ tiền triều.

Báo cáo nội dung vi phạm
[1] Đại Việt sử ký toàn thư chép: Mùa đông, tháng 12 (năm 1010), cung Thúy Hoa làm xong, làm lễ khánh thành, đại xá các thuế khóa cho thiên hạ trong 3 năm, những người mồ côi, góa chồng, già yếu, thiếu thuế lâu năm đều tha cho cả. Cấp áo quần, lương thực, thuốc men cho 28 người lính man bị Ngọa Triều bắt, sai người đưa về quê cũ. Tha cho người ở vùng Nam Giới, huyện Thạch Hà thuộc châu Hoan được trở về bản huyện.
[2] Quan điền hay Quan điền bản xã, là bộ phận ruộng đất này tuy cũng thuộc sở hữu Nhà nước, nhưng lại do các làng xã quản lý. (Theo "Lịch sử Việt Nam" tập 2, Viện hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam, Viện sử học)
[3] Theo Sử học bị khảo, Tri châu, Thông phán, Tổng quản, Châu mục đều là quan quản lý các châu. Trong đó thổ quan ở ven biên giới thì gọi là mục. Theo quan chế nhà Tống, mỗi châu có 1 Tri châu, còn Thông phán là chức tá nhị ở quận, gọi là Giám châu, quận to có 2 Thông phán, các quận còn lại có một.
[4] Đánh đáo: Là một trò chơi dân gian được truyền qua nhiều đời ở Việt Nam. Đánh đáo phổ biến cả ở ba miền: Bắc, Trung và Nam. Vì là trò chơi phổ biến nên có rất nhiều biến thể, rất nhiều luật chơi khác nhau.
[5] Tức "Loạn tam vương", cuộc tranh giành ngôi báu diễn ra sau khi Lý Thái Tổ băng hà. Đại Việt sử ký toàn thư chép: Mùa xuân, tháng 2, vua không khỏe. Tháng 3, ngày mồng 1 Bính Thân, nhật thực. Ngày Mậu Tuất, vua băng ở điện Long An. Bề tôi đều đến cung Long Đức xin thái tử vâng di chiếu lên ngôi. Ba vương là Đông Chinh, Dực Thánh và Vũ Đức nghe tin đều đem quân ở phủ mình vào phục sẵn trong cấm thành.
[6] Thần Vũ Hoàng đế là thụy hiệu của Lý Thái Tổ.
[7] Ngự Man vương Lê Long Đinh, theo Đại Việt sử ký toàn thư, Ngự Man vương là con trai của Lê Hoàn, nhưng theo Việt sử lược thì là cháu trai (truyện xin được theo thuyết của Việt sử lược). Theo Thiền Uyển tập anh, Châu mục Châu Phong Lê Tông Thuận là con trai của Ngự Man Vương.
[8] Tống sử chép: Chí Trung (tức Lê Long Đĩnh) hai mươi sáu tuổi, hà khắc bạo ngược không có khuôn phép nào, người trong nước đều không theo [...] Năm ấy, (Lý Công Uẩn) bèn mưu phản Chí Trung, đuổi đi, giết bọn Minh Đề, Minh Sưởng, tự xưng là Lưu hậu, sai sứ đến cống phụng.
[9] Đại Việt sử ký toàn thư chép: Giáp Tý, [Thuận Thiên] năm thứ 15 [1024], (Tống Thiên Thánh năm thứ 2). Mùa xuân, xuống chiếu cho Khai Thiên Vương [Phật Mã] (tức Lý Thái Tông) đi đánh Phong Châu, Khai Quốc Vương [Bồ] đi đánh châu Đô Kim.
Ẩn quảng cáo

Nhận xét về Người Ở Đừng Về

Số ký tự: 0