Chương 7: Phan Liên

Định Dương cúi gập người, thầm mong bản thân không có sai sót gì. Bởi lẽ, trên đường đi đến đây, những lời mà đứa em gái thường lải nhải trên xe với anh lúc còn ở Hà Nội lại bất ngờ trở về với ký ức của anh, tựa như vết mực nhỏ từng giọt vào tâm trí vốn đã bấn loạn của anh bác sĩ bệnh viện XY.

“Này, anh đừng có coi thường. Ngày xưa biết bao nhiêu nghi thức nghi lễ, chứ không phải gặp ai cũng cúi đầu chào hai ba tiếng là xong đâu?”

“Hôm trước em mới xem xong cái phim gì trên Facebook ấy… Có cái anh ấy, anh ấy không hành lễ đúng á. Xong í à, bị lôi ra ngoài đánh đến lê lết luôn. Lấc cấc như anh, về mấy triều đại ngày xưa thì có mà bố mẹ nhìn chẳng ra!”

Lúc ấy Định Dương chỉ cười, bảo “cô Ánh” ngưng lảm nhảm vớ vẩn đi thôi. Ai dè đâu. Bây giờ, hẳn anh đang tự trách mình tại sao không nghe em mình nói thêm mấy câu, để rồi phải lo sợ như thế này.

Đáng nói là, đầu anh hiện đang đau như búa bổ. Hình như càng tiến gần “cha”, cơn đau lại càng dữ dội hơn. Sau lưng Định Dương chảy mồ hôi lạnh, gương mặt dường như đã chuyển sang màu trắng bệch, hô hấp cũng không ổn định; Dương hơi loạng choạng, cố chắp hai vạt áo lại mà đứng vững. Cả người anh như loài thảo cỏ đứng trước trời gió, tưởng như có thể ngã xuống bất cứ lúc nào. Định Dương lại thầm réo tên Phan Định kia thêm một lần nữa. Chắc anh hận cậu thiếu gia yếu ớt bệnh tật kia lắm.

Thừa tướng, tức cha của Phan Định, vẫn ngồi yên như vậy, xoay người vào bức bình phong ở sau, làm Định Dương hoàn toàn không thể thấy mặt của ông. Chỉ có bóng của anh theo ánh nến mà phản chiếu nơi bức bình phong ấy. Người hầu cận tên Sang lúc nãy đã cúi đầu đứng ở một góc, dáng đứng ấy làm Định Dương liên tưởng đến những kiếm sĩ đang đợi lệnh. Điều đó khiến anh không khỏi lo âu.

Thư phòng chìm vào im lặng. Im lặng đến đáng sợ.

Vậy mà, sự im lặng ấy lại bị phá vỡ bởi giọng nói của quan Thừa Tướng, cha của Phan Định. Định Dương cũng chẳng ngờ, giọng nói này sẽ làm anh ngã xuống.

- Ta vừa đi mấy ngày, ngươi lại quên mất quy củ. Là do tuổi nhỏ ngu si, hay do ta bất tài vô tướng, không quản nổi con trai mình? – Ông chẳng hề quay mặt lại, vẫn ngồi quay lưng về phía Định Dương. Nhưng trong giọng nói nghe trầm ổn ấy, lại khiến cho anh cảm thấy như bị đè chặt đến nghẹt thở.

Không để Định Dương kịp nghĩ ngợi thêm một giây nào, một tiếng “bốp” vang lên, hai đầu gối anh đập vào sàn nhà gỗ. Một cơn đau ập đến bất ngờ, anh chống tay xuống sàn nhà, cúi gằm mặt xuống, hai vai run rẩy. Tuy nhiên, cơn đau ấy, cộng thêm cái đầu đau có vẻ đã làm cho Dương tỉnh táo hơn, ít nhất là không còn bàng hoàng nhiều và nhận thức được tình hình hiện tại.

Hình như anh đã hành lễ sai. Phải quỳ sao?

Không rõ, chỉ biết rằng, tên Sang – kẻ đưa anh đến đây, đã tiến đến đá ngã anh xuống mà không chút nương chân, dường như người trước mắt hắn không phải là trưởng tử Phan Định, mà chỉ là một tên nhóc hỗn láo cần được dạy bảo.



Nhưng anh không muốn quỳ.

Vì sao phải quỳ trong khi có thể đứng thẳng?

Ánh Dương đã không để anh phải quỳ trước tên Trọng khốn nạn ấy, và con bé đã vùng lên chỉ để bảo vệ anh.

Cha mẹ cho dù có cực khổ đến nhường nào cũng không để cho hai đứa con phải uốn gối khom lưng trước người khác.

Vậy mà, bây giờ, anh lại đang quỳ trước một người xa lạ, quỳ trong thân xác của một người mà anh còn chẳng biết rõ, đó là ai.

Có đáng không? Anh có cần phải chấp nhận dễ dàng như vậy không?... Câu trả lời đương nhiên sẽ là “không”.

Anh là ai?

Mặt trời. Có thể. Hướng dương? Cũng có thể.

Quan trọng hơn cả, anh là Nguyễn Định Dương. Có thể nghèo, có thể vất vả, nhưng chẳng bao giờ anh thấp hèn. Có khó khăn thế nào, Dương vẫn cố gắng sống mà ngẩng cao đầu. Anh mang trong mình một lý tưởng thật đẹp, thật thơ, và mang một giấc mơ thật tươi sáng.

Thế đấy.



- Con xin lỗi cha. Lúc nãy thần trí con không tỉnh táo, quên mất… gia phong. Con xin nhận sai.

Định Dương quỳ gối, cúi mặt, hướng người đến “cha” mà thỉnh tội, dù chưa biết là tội gì. Hai tay anh ghì chặt, cố không run rẩy; mí mắt dao động, dường như đang kìm nén đến vô cùng.

Cuối cùng, anh vẫn không đứng dậy.

Vì cớ gì?

Ẩn quảng cáo


... Đơn giản lắm, vì đây không phải là thế kỉ 21. Ở cuộc sống thường nhật, anh có thể làm gì cũng được, nhưng ở đây không cho phép sự tùy ý, đồng nghĩa với việc anh không được áp dụng những tư duy hiện đại vào.

Giống như thần tử quỳ bái vua, thì con quỳ dưới cha cũng là lẽ đương nhiên. Định Dương nghĩ thế. Coi như nhục một lần cũng được. Anh gập đầu xuống thấp hơn một chút, đợi xem quan Thừa tướng làm gì tiếp. Cơn đau đầu vẫn cứ âm ỉ trong anh, chốc chốc lại làm anh choáng váng.

Chờ đợi đúng là đáng sợ.

Một lúc lâu sau, thừa tướng mới chậm rãi quay mặt lại, tự rót cho mình một tách trà nóng, không thèm liếc mắt đến đứa con trai đang quỳ trước mặt, chỉ buông câu:

- Ra là ngươi còn biết sai. Quốc có quốc pháp, gia có gia quy. Ta cứ tưởng ngươi thấm nhuần điều này sau mấy trận gậy trúc chứ. Ai dè, ngươi vẫn bướng bỉnh và ngu ngốc đến vậy sao? – Vừa nói, ông vừa nhìn qua Sang. Tên đầy tớ hiểu chuyện, ngay lập tức lấy từ trong góc ra một chiếc gậy gỗ nhìn như chiếc gậy chống của các bậc cao tuổi, cung kính đặt vào tay chủ.

- Con xin nhận phạt… Thưa cha. – Trên trán Định Dương rịn vài giọt mồ hôi lạnh, anh cố giữ bình tĩnh mà trả lời.

Thừa tướng đến bây giờ mới đặt tách trà xuống, liếc mắt nhìn “đứa con trai” vô tích sự của mình. Ông cảm thấy hơi lạ. Bình thường thằng Định con trai ông lúc nào cũng run rẩy, sợ sệt trước mặt ông; Thân thể luôn suy nhược ấy mỗi lần thấy cha mình có động thái thì liền quỳ xuống xin tha ngay cơ mà.

Ấy thế, hôm nay, Phan Định dường như trở nên khác hẳn.

Vẫn yếu ớt như vậy, nhưng Phan Định lại không nhút nhát như trước. Bước vào không quỳ xuống hành lễ theo gia phong, lại còn bình tĩnh nhận tội – Dù ông biết rằng “con trai” đang sợ hãi; Nhưng rõ ràng, độc đinh nhà ông hoàn toàn không có ý định “lùi bước”.

Điều này làm thừa tướng, người trước giờ luôn ghét bỏ, khắt khe với đứa con sinh ra từ bụng một thiếp thất thấp hèn có một cái nhìn khác về con trai mình. Ánh mắt ông dịu đi, đôi mày đang cau cũng giãn ra mấy phần. Có lẽ vì ông ngạc nhiên, hoặc ông đang hài lòng vì đứa con hiểu chuyện hơn. Có trời mới biết được đâu mới là suy nghĩ của ông.

Chỉ biết rằng, thừa tướng thở dài, quẳng chiếc gậy gỗ đang cầm trên tay xuống nền. Ông ném tách trà còn hơi nóng về phía Phan Định, thở hắt ra:

- Đi về chăm sóc vết thương cẩn thận. Dù gì ta cũng là cha ngươi, giáo huấn con cái là lẽ thường tình… Nhưng hôm nay ngươi dường như hiểu chuyện hơn, ta cũng không phí sức nữa. Sang, đưa cậu Định về.

Nước trà ngấm thẳng vào phần lưng áo Định Dương, len vào vết thương còn chưa kịp đóng mài trên người anh. Dương run lên nhè nhẹ vì đau và nóng, cố gắng đứng dậy, nhìn thẳng mặt “cha”. Cơn đau đầu của anh lại một lần nữa nổi lên, làm anh cúi mặt xuống, giấu đi sự đau đớn hiện trên gương mặt.

- … Con xin phép lui ra, thưa cha.

Nói xong, anh cúi nhẹ đầu, bước ra ngoài cửa thư phòng. Tên Sang lầm lũi bước theo sau, thấp giọng nói:

- Con đưa cậu Định về.

- Thôi đi. Ta có thằng Trí chờ ở ngoài rồi. Anh vào hầu cha ta, đừng để ông đợi lâu. – Định Dương rũ mi, bước thẳng ra chỗ Trí đang đứng, không để Sang đi theo anh thêm bước nào.

Trong lời nói của anh mang ý trách, và cả ý giận. Có lẽ có cả khinh thường. Tên Sang này lật mặt như lật bánh tráng. Mới vừa đánh ngã anh, mấy phút sau lại cung kính như thường. Định Dương chẳng chấp nhận nổi điều này.

Bước đi của anh hơi lảo đảo lúc đi đến chỗ Trí, tới nơi rồi thì khụy người xuống. Trí vội vàng đỡ thiếu gia nhà mình, thở dài:

- Trời! Cậu có làm sao không? – Trí lo lắng, nhìn mảng áo phía sau chủ đã thấm ướt trà, lẫn cả một chút máu tươi.

- Có. – Định Dương thở dài, theo Trí về gian nhà riêng của mình.

Vừa đặt chân vào bên trong tư phòng, Định Dương đã thấy em gái mình ngồi sẵn ở đấy. Ánh Dương vừa thấy anh bước vào thì đứng lên, vội vàng đi lại xem thử anh có bị gì không. Sờ thử sau lưng, cô thấy áo anh ướt, còn dính máu.

- Em biết ngay là không ổn mà, đã bảo giả bệnh đừng đi… Còn lì làm gì! Ông thừa tướng ấy làm gì với anh rồi? Gậy trúc? Gậy gỗ?

- … Sao mày biết hai cái đấy? – Định Dương thắc mắc. Khi nãy, lúc ở thư phòng, đúng là anh đã nghe và thấy hai thứ gậy đó.

- Cái Nhu nói cho em đấy.

Lúc Định Dương bị đưa đi, Ánh Dương đã hỏi cái Nhu đủ thứ chuyện. Ban đầu cô nhỏ cứ giấu tới giấu lui, nhưng đối mặt với Ánh Dương thì một hồi cũng phải nói ra.

“Chẳng qua là cậu Định với thằng Trí giấu cô Ánh kỹ quá, nên là trước giờ cô chỉ nghĩ là cậu bị phạt do làm sai thôi, cùng lắm là mấy roi, đúng không ạ?”

“Nhưng mà, thằng Trí nó giấu ai chứ nó gặp con là nó tuôn lời như gió! Cậu Định í à, làm sai cũng bị phạt, mà làm đúng cũng bị phạt. Mỗi lần ông thấy mặt cậu, kiểu gì cậu cũng tơi tả đi về. Thằng Trí bảo là, cậu Định lúc nào cũng dặn nó phải giấu cô đi… Không thì cô lại lo sốt vó. Mà giờ con chẳng giấu được cô…”

Ẩn quảng cáo


Ánh Dương ngẩn người ra. Lại có chuyện như vậy.

Cô khẽ thở dài, thầm xót xa cho cậu thiếu niên Phan Định ấy. Tuổi nhỏ, nhưng lại phải gánh chịu những nỗi đau mà ngay cả những người trưởng thành cũng khó mà chống chọi.

Đó không chỉ là nỗi đau đơn thuần về thể xác.

Đó chính là thứ sẽ ám ảnh tâm trí, đi theo người thiếu niên non trẻ ấy suốt một đời. Và nỗi đau ấy sẽ chẳng bao giờ nguôi ngoai đi, thậm chí còn chuyển cho người khác, để rồi sẽ có thêm nhiều nỗi đau tương tự như thế xuất hiện. “Gia đình” vốn được xem như tế bào của xã hội, nhưng các bậc làm cha mẹ trong những gia đình đó thỉnh thoảng lại có những lời nói, hành động hay ứng xử làm tổn thương con cái, đó cũng là biểu hiện của bạo hành gia đình. Mà nguyên nhân sâu xa chính là những bậc cha mẹ đó trước đây đã từng là nạn nhân của bạo hành gia đình. Họ bị tổn thương tâm lý nghiêm trọng ngay từ nhỏ, nên thỉnh thoảng họ lại ứng xử làm tổn thương con cái của họ bằng những lời lẽ, ứng xử lúc nào không hay. Đây được xem là những di chứng đáng sợ nhất ảnh hưởng đến nhiều thế hệ mai sau. Có chăng, Phan Định sau này rồi sẽ giống như cha của cậu ấy bây giờ - Tàn ác, nhẫn tâm, máu lạnh.

Ánh Dương rùng mình. Có ai ngờ được một cậu con trai tưởng như vàng ngọc, sống trong phủ quan lại phải chịu cảnh như thế này. Cái Nhu kể với cô, cậu Phan Định đi ra ngoài khí chất ngời ngời, lại còn được thừa tướng xem trọng, nhưng ở trong phủ thì…

Thời nào cũng sẽ có con người khổ đau theo hoàn cảnh của họ.

Dẫu có đũa vàng, mâm son hay đũa mốc, vẫn sẽ có những đau đớn ngặt nghèo mà chỉ người trong cuộc mới tỏ tường.

Chỉ mong mầm cây luôn vươn lên giữa cái sỏi đá khô cằn, hướng dương vẫn nhìn nắng để nở rộ.

Trong lúc lơ mơ nghe Nhu kể, Ánh Dương lại càng lo cho anh trai mình. Không biết có làm sao không biết nữa.

Một lát sau thì cô đã thấy Định Dương đứng trước cửa.

Cuộc trò chuyện tiếp diễn.

- Trí đi lấy thuốc rồi, đừng có quắn lên. – Định Dương bình thản ngồi xuống sập, không nói không rằng, tự gỡ vạt áo dính ra khỏi lưng, thi thoảng cau mày vì đau.

- Ừ… Tùy! – Ánh Dương có vẻ giận, cũng không để ý nữa.

Một lát sau, Trí hớt hải chạy vào, nhưng lạ một chỗ. Trên tay cậu ta trống trơn, không có lọ thuốc nào. Định Dương ngạc nhiên nhìn qua:

- Ta bảo cậu đi lấy thuốc mà? Sao lại về tay không?

- Tại nãy con đang đi thì gặp cô Liên nên con về luôn. Cô Liên bảo sẽ mang thuốc qua.

- Hả…?

Định Dương ngớ người ra. Cô Liên? Phan Liên đấy sao?

Người “chị gái” của Phan Định thì liên quan gì? Nhưng anh cũng không muốn hỏi nhiều nữa, nếu để ai thấy mình khác với mọi khi quá nhiều thì lại toi.

Anh bắt đầu nghĩ ngợi trong đầu.

Phan Liên, Đệ Nhất Tiểu Thư, mười bảy. Là con gái đầu lòng của chính thất đã qua đời mấy năm, thường xuyên bị bệnh nên cứ ở mãi trong phòng.

Người con gái có vẻ mờ nhạt này có mối liên hệ gì với Phan Định sao? Dù gì, vị Độc Nhất Thiếu Gia này suy cho cùng cũng chỉ là con trai của vợ lẽ, nói trắng ra chỉ là đứa con mà thừa tướng để lại sau giây phút lỡ làng với người ở. Mọi chuyện gì đã được bưng bít bên ngoài, nhưng người trong cuộc không lẽ không hay?

Nếu tính theo khả năng này, thì Phan Liên có khi chẳng muốn dây mơ rễ má gì với đứa em trai “khác máu” ấy. Nhưng Định Dương lại cảm nhận được, Phan Liên không có ác cảm gì với Phan Định. Nhìn sắc mặt của Trí là biết.



Đây vẫn là một nghi vấn mơ hồ. Dương nhìn ra ngoài cửa, thấy mặt trời đã ngả về đằng Tây.

Lại một ngày nữa trôi qua.

Xin cho hôm nay gói mang đi hết nỗi buồn, để ngày mai không còn gì có thể đọng lại cho thêm sầu.

Báo cáo nội dung vi phạm
Ẩn quảng cáo

Nhận xét về Ngày Ấy, Ta Về Với Dòng Sen

Số ký tự: 0