Chương 9: Đỗ Diệu Là Một Đứa Mù Chữ

Ngân Hoàn yosoynp 2677 từ 22:33 30/04/2024
CHO ĐẾN MÃI SAU NÀY, TÔI MỚI HIỂU ĐƯỢC ÁNH MẮT CHỨA CHAN NHIỀU Ý NIỆM CỦA MẸ TÔI LÚC ĐÓ. Dạy dỗ em tôi vốn chưa bao giờ là phần việc của tôi, nhưng cha tôi đã giao phó, phận làm con, tôi sẽ vâng lời làm theo. Tôi nhận việc nhưng không hề ảo tưởng về khả năng của bản thân, khả năng văn học có hạn khiến tôi ngay lập tức nghĩ đến việc kéo bạn tôi về cùng, sẵn tiện nhờ vả bạn tôi bỏ sức, giúp đỡ truyền đạt cho em tôi vài cách học tập, còn không, cứ để em tôi học với tôi, không sớm thì muộn cả hai đứa chúng tôi sẽ bị cha tôi đuổi cổ ra khỏi nhà mất.

Bạn tôi sau bao năm xa cách cũng muốn một lần được hội ngộ với cha tôi, chỉ tiếc cha tôi bị vướng phải lệnh cấm rời khỏi nơi cư trú, xác suất bạn tôi và cha tôi chạm mặt nhau ở thủ đô trong vòng ít nhất năm năm tới (nếu như mọi chuyện cứ diễn ra theo cái đà này) là con số không tròn trĩnh. Người bác kia của tôi sẽ không bao giờ để cha tôi đặt chân trở lại thủ đô cả, tình cảm gia đình chưa bao giờ là thứ xứng đáng được đặt lên bàn cân khi so với những tham vọng khác.

Con trai duy nhất của thủ tướng phe trung lập đi cùng với con trai trưởng của kẻ bị ruồng bỏ, tin tức này truyền về kiểu gì cũng tạo nên nhiều phong ba. Phản ứng của bạn tôi không hẹn mà lại giống với em tôi một cách kỳ lạ - mặc kệ nó. Ngoài việc đam mê tham gia các thể loại thi cử, bạn tôi trước nay không liên quan gì đến con đường kia, việc thân thiết với tôi chưa bao giờ có thể đại diện cho tiếng nói của thủ tướng đương nhiệm. Thậm chí, trong một số trường hợp, ông ta sẽ rất vui lòng khi con trai mình có quan hệ tốt với cả hai phe.

Tôi tính tới tính lui, chỉ là không tính tới chuyện em tôi trông thế mà lại là một đứa mù chữ. Trước khi giao người cho bạn tôi, cha tôi đã đặc biệt nhấn mạnh, yêu cầu bạn tôi phải rèn cho em tôi được thói quen sử dụng giấy bút. Lúc đầu hai chúng tôi còn không hiểu gì, sau mấy buổi học một - một, bạn tôi trở lại với một tin tức không được tích cực cho lắm - em tôi không biết viết chữ.

Nói một cách chính xác, cũng không phải là không biết viết chữ, nhưng em thường sẽ bị nhầm các nét trong một chữ với nhau, hiểu đơn giản chính là râu ông nọ cắm vào cắm bà kia, viết được mười chữ thì phải đến quá nửa là có vấn đề. Đối với trường hợp kiểu này, cách xử lý của bạn tôi vô cùng nhất quán - lặp lại, lặp lại, và lặp lại - mỗi chữ đều yêu cầu em tôi viết cho đến khi không thể sai được nữa mới đổi sang chữ khác. Đến đây thì vấn đề lại nảy sinh, bạn tôi phát hiện tư thế cầm bút của em tôi có vấn đề, ai đời lại cầm bút thẳng tưng như cắm cọc bao giờ.

“Em cầm giống như cầm đũa ấy,” miêu tả không có tác dụng, bạn tôi đành phải chuyển sang thị phạm, trực tiếp cầm tay uốn nắn em tôi.

Tôi trông bạn tôi khốn khổ mà chợt nhận ra một điều, “Mấy lá thư đó,” tôi chỉ vào xấp thư đang viết dở trên bàn, hẳn là lá thư của tuần này em vẫn chưa viết xong, “Làm sao em có thể nhớ mặt chữ mà viết được?”

“Đơn giản mà,” em tôi trả lời tỉnh queo, “Em đọc, chị Xuân Mai sẽ viết hộ.”

Xuân Mai là tên người hầu gái thân cận của em. Một chục năm trở lại đây, người ta mới dần có cái nhìn thiện cảm hơn với chuyện phụ nữ đến trường, bây giờ một cô gái có thể đọc hiểu những văn bản đơn giản không còn là điều gì quá là khó khăn, còn để có thể viết được một lá thư hầu như không có bất kỳ lỗi nào như vậy, thực sự là hiếm có.

“Một người hầu gái còn biết nhiều chữ hơn em, em không cảm thấy xấu hổ hả?” Tôi tiến lại gần, cốc nhẹ vào đầu em.

Ngay lập tức, tôi nhận lại một cái nhìn u oán, em tôi khoa trương xoa xoa vết thương vô hình mà tôi biết chắc chẳng hề có tí đau đớn nào, phản bác, “Thì em chỉ không viết được thôi mà.”

“Thế lúc nào cần viết chữ em cũng cần người viết cạnh viết hộ à?” Tôi bật cười, lại cốc một cái nữa vào đầu em, lần này thì đã hơi dùng sức.

“Đau em,” em tránh khỏi cánh tay tôi, miệng vẫn không quên bảo vệ quan điểm của mình, vẫn không quên đổ lỗi cho hoàn cảnh bên ngoài, “Thì có gì em nói trực tiếp là được mà, ai bảo mấy cái chữ này trông như con giun ấy.” Em túm đại một tờ giấy đang viết dở lên, kịch liệt lên án.

Ẩn quảng cáo


Tôi nhìn theo tầm nhìn của em, không thể không thừa nhận, theo cách viết của em, những chữ cái xinh đẹp kia đều trăm chữ như một, đồng loạt biến thành những con giun bò lồm cồm trên mặt giấy thật. Khả năng tả thực của em đúng là một lời khó nói hết.

Sau đó, để chứng minh cho việc không cần viết thì vẫn sống tốt, em lôi quyển sách học trên lớp ra, hào hứng bảo chúng tôi kiểm tra khả năng học thuộc của em, “Chỉ cần thuộc là được rồi mà, em cũng đâu có cần thi cử gì đâu mà cần viết tay.”

Quyển sách dưới sự tàn phá của em tôi đã trở thành một đống giấy lộn rách nát chắp vá vào nhau, cũng chẳng biết em quăng quật kiểu gì mà gần như là toàn bộ phần gáy sách đã bị em làm cho bục chỉ, bìa sách và thân sách mỗi thứ một nơi, được tạm bợ chắp vá bằng vài miếng sáp nến cáu bẩn. Bạn tôi chậm rãi lật sách ra, tôi cũng ngó vào theo, quyển sách với những nội dung quen thuộc đã bị em tôi dập xoá, cả trang giấy chi chít những kí hiệu kỳ lạ, gần như không nhìn ra nội dung ban đầu.

Tôi cũng không trông mong gì hơn, chỉ tuỳ tiện chỉ vào một trang, yêu cầu em nêu nội dung, vốn tưởng là em ba hoa, nào ngờ tôi vừa dứt lời thì em đã đọc lên vanh vách, hỏi câu nào cũng đều trả lời được. Tôi không tin lắm, định đi kiếm một quyển sách còn nguyên về để đối chiếu, bạn tôi bên cạnh đã cản lại, “Không cần đâu, Thuỵ Khuê đọc đúng rồi.”

Bạn tôi là cao thủ học thuộc, là thủ khoa trẻ tuổi nhất, bạn tôi nói đúng thì hẳn là em tôi đã đọc không sai. Như thế tôi lại đâm ra càng tò mò hơn, một người có trí nhớ tốt như em tôi, sao lại có thể có vấn đề trong việc ghi nhớ mặt chữ cho được.

“Đây là một loại bệnh, gọi là bệnh khó đọc,” tôi vừa mới hỏi, em tôi đã vội vàng đưa ra lý do, chỉ là lý do này tính thuyết phục là không đáng kể.

“Đừng có kiếm cớ,” tôi sấn lại, tính đập cho em thêm một cái nữa, cha tôi đã nói rồi, một cái không được thì hai cái, hai cái không được thì ba cái, con cái không ngoan thì cứ phải đánh cho đến khi tỉnh ra thì thôi.

Em tôi lần này đã có kinh nghiệm, nhanh chóng lắc mình, lẩn ra trốn sau lưng bạn tôi. Tôi cũng chỉ đành bất lực buông tay. Bạn tôi không hổ là người có kinh nghiệm giao tiếp lão luyện, lập tức cách ly hai anh em chúng tôi, (đại khái là tôi bị đẩy sang một góc, hai người kia thì túm lại một góc khác nói chuyện) sau một hồi hỏi han tìm hiểu, bạn tôi đã sơ bộ tìm ra được nguyên nhân cho sự bất cân đối trong khả năng của em tôi.

“Tốt nhất là trước khi đặt bút viết, em nên hiểu rõ ý nghĩa của từng nét, cái này gọi là chiết tự.”

Em tôi ồ lên một tiếng, hai người có trình độ văn hoá cao cấp lập tức ngồi vào làm việc với nhau, để lại kẻ có trình độ văn hoá qua mức trung bình là tôi ở lại một góc, ù ù cạc cạc không hiểu gì. Trình độ văn hoá chỉ đủ qua môn của tôi chưa bao giờ là nỗi lo quá lớn với mẹ tôi, châm ngôn của bà vô cùng đơn giản - con cái có phúc của con cái. Từ ngày biết tôi không có năng khiếu mấy vụ học thuộc rồi nêu cảm nghĩ kiểu này, bà đã thẳng tay cắt giảm thời lượng học mấy môn văn hoá của tôi xuống mức tối thiểu, mức mà bà cho là ‘qua môn được là tốt rồi’, để tôi có thể dành toàn bộ thời gian tập trung cho mấy trò võ nghệ ưa thích. Nhờ sự ủng hộ của bà, tôi cũng đạt được một vài thành tựu nho nhỏ, cha tôi vốn mong tôi đọc sách viết chữ cũng không quá nặng nề vấn đề này nữa.

Tôi vốn tưởng rằng vấn đề chỉ xảy ra với bạn tôi, nào ngờ, vài hôm sau, chính tôi cũng là người được lĩnh hội sự lợi hại của em tôi. Cũng không hiểu mấy người trước khi làm gì, cứ hễ em bén mảng tới gần là mấy con ngựa trong chuồng lại điên cuồng gào rú, từ chối sự có mặt của em. Tôi cố gắng vài ngày mà vẫn chẳng thể tìm ra nguyên nhân, cuối cùng chỉ đành để em quay lại cưỡi con la trắng tên Mực, chật vật hoàn thành nội dung huấn luyện.

Không có tệ nhất, chỉ có tệ hơn, cưỡi ngựa sẽ chẳng là gì so với khả năng bắn cung của em. Tôi từ việc còn ôm một chút hy vọng nhỏ nhồi, sau vài ngày đã chuyển hẳn sang tuyệt vọng, em tôi là người kém nhất mà tôi đã từng gặp, chỉ việc đơn giản như đứng thẳng lưng, dồn lực xuống đất em đã sai lên sai xuống, chưa nói gì đến việc khó hơn như là gương cung bắn tên.

Ẩn quảng cáo


Áp lực của việc dạy học lớn đến nỗi ngay khi mẹ tôi đưa ra tấm thiệp mời, bảo tôi đi thay đám cưới, tôi không chần chờ mà nhận luôn, cũng nhân cớ này cho em tôi một ngày nghỉ ngơi, nói đúng hơn là giải thoát cho chính mình. Kể ra cũng may, đám cưới này vốn dĩ được tổ chức vào ngày khác, chỉ là người tính không bằng trời tính, ông già bên đó trước ngày cưới lại đổ bệnh nặng, cũng chẳng biết bọn họ nghe ngóng được ở đâu, đám cưới ‘xung hỷ’ có thể giúp ông già khoẻ lại, đâm ra đằng nhà trai mới vội vàng đẩy ngày cưới lên vài hôm, sớm ngày đón cô dâu về nhà, song hỷ lâm môn. Đám cưới này vốn là mời cha tôi, nhưng cha tôi từ trước đến nay không hứng thú lắm với mấy trò ngoại giao kiểu này, việc chọn người đi đám được chuyển sang mẹ tôi. Mọi việc cũng chuẩn bị xong xuôi, chỉ là thời gian đám cưới mới này sớm quá, mẹ tôi bận việc khác không dứt ra được, quả bóng này cuối cùng lại được đá đến chân tôi.

“Nhớ bảo cả Thuỵ Khuê cùng đi,” mẹ tôi trước khi đi vẫn không quên dặn dò.

Tôi liếc nhìn địa chỉ trên tấm thiệp, đáp một câu có lệ. Mẹ tôi cũng nhận ra điều gì đó, chỉ khẽ lắc đầu rồi lên xe rời đi. Em tôi chắc chắn là sẽ không thích chỗ này đâu, ai bảo bữa tiệc được tổ chức ở ngay bên cạnh nhà họ Bùi.

Nhưng tôi vẫn không loại trừ trường hợp miếng ăn chiến thắng hận thù, trong lúc sửa soạn, tôi cũng tranh thủ phái người sang gọi em cùng đi. Câu trả lời nhận được quả là không ngoài dự đoán, từ lúc được tôi thông báo cho nghỉ, em đã có kế hoạch của riêng mình, theo những gì tôi hiểu về em, hẳn giờ em đang vui sướng tụ tập cùng cậu nhóc họ Lê kia rồi.

Tôi đã sớm đoán được nên em chưa bao giờ là lựa chọn đầu tiên, vừa mang quà ra đến cửa tôi đã thấy bạn tôi đứng đợi sẵn. Có phúc cùng hưởng, có hoạ cùng chịu, hai người chúng tôi đều xứng đáng với một bữa ngon sau những gì vừa phải trải qua.

“Cậu mang quà theo làm gì thế?” Bạn tôi không phải là khách mời chính, không cần thiết phải chuẩn bị quà. Bạn tôi bật cười, rút trong túi ra một tấm thiệp y hệt cái của tôi, nhỏ giọng than thở. Con cái ở xa hay gần thì cũng phải thay cha mẹ đi đám mà thôi.

Chúng tôi đưa quà cho người hầu phía sau, tiến lên chiếc xe ngựa đã đứng đợi sẵn, chỉ chờ chúng tôi ổn định là xe chầm chậm lăn bánh. Tôi tò mò hỏi mượn tấm thiệp của bạn tôi, nội dung và hình thức chẳng có gì khác biệt, có chăng chỉ là tên cha tôi đã được thay bằng tên của cha bạn tôi - ngài thủ tướng đương nhiệm.

“Quan hệ cũng rộng gớm nhỉ?” Tôi gẩy gẩy tấm thiệp trên tay, không nhịn được mỉa mai. Cũng chẳng phải là hôn lễ của con trai trưởng, làm rùm beng, mời nhiều khách mà họ không đến thì chỉ có nước đẹp mặt. Bạn tôi chỉ cười không đáp, trông thế, tôi đâm ra lại nảy ra một ý tưởng, “Muốn cá cược không?”

Bạn tôi bật cười, “Hai anh em cậu chơi mấy trò đỏ đen này đến nghiện rồi à?” Chúng tôi đã sớm nghe qua chiến tích huy hoàng ngày đầu đi học của em, chỉ với mấy trò thao túng dư luận đơn giản, em và cậu bạn họ Lê đã thành công kiếm được một khoản kha khá. Chẳng qua, việc đích thân mặc quần áo nữ vào trường khảo sát thì tôi sẽ luôn giữ thái độ phản dối, mặc dù tôi biết em sẽ chẳng bao giờ để lời của tôi vào tai.

Tôi huých nhẹ bả vai bạn tôi, “Anh em trong nhà, không giống nhau sao được.” Anh em tôi dẫu có nhiều điểm bất đồng, nhưng tính thích mấy trò đỏ đen kiểu này thì đúng là được hoàn toàn thừa hưởng từ cha tôi, nếu không kể mẹ tôi, cả nhà tôi chính xác là một ổ toàn người máu liều nhiều hơn máu não, không ngán bất kỳ thử thách cam go nào.

Một điểm chung khác của anh em tôi chính là thói nói dai, sau một hồi nỗ lực, bạn tôi cuối cùng cũng bị tôi thuyết phục, cam chịu đưa tay ra, “Nào, cậu muốn cá gì?”

“Đơn giản lắm…” Tôi chỉ đợi có thế, nhanh chóng phổ biến thể lệ với bạn tôi.

Báo cáo nội dung vi phạm
Ẩn quảng cáo

Nhận xét về Ngân Hoàn

Số ký tự: 0