Chương 6: Sẽ

Anh Lành có tập tính rất lạ, trước hay sau trận đánh đều sợ chết đến tái cả mặt, thế mà khi lâm trận thì đừng nói tới địch, đến ngay cả đồng đội cũng phát hoảng khi nhìn anh cầm súng giết giặc.

Đầu tháng 11 năm 1966.

Anh Lành ngồi thu lu một góc chẳng màng đến ai, xanh mét cả cái mặt, miệng mấp máy mấy từ ngữ chẳng ai hiểu được, còn không có ai biết là anh đang nói tiếng Việt hay tiếng nào nữa. Mọi người qua lại, thấy anh ở trạng thái này cũng thành quen thuộc, không mấy người để ý tới anh. Chỉ có Việt thấy lạ, hỏi thăm anh vài câu vẫn không thu thập được gì, lặng lẽ ghi vào sổ cái trạng thái có một không hai này của anh Lành.

"Sắp rồi, chúng nó sắp tới rồi!"

Đột nhiên anh nói mấy lời kỳ lạ quá, giọng anh run rẩy hoảng loạn, kỳ thật thấy có hơi ghê rợn. Mọi người anh nhìn tôi, tôi nhìn anh, chốt lại vẫn là những cái lắc đầu đầy khó hiểu. Ai về làm việc của người ấy, không còn quan tâm đến anh Lành nữa. Việt cũng bận đi liên lạc với đồng nghiệp, cũng đành để anh ở một mình.

Ngày 3 tháng 11 năm 1966.

Phía đông bắc của Tây Ninh.

Sáng, khoảng chín giờ.

Một lữ đoàn bộ binh của Mĩ đi đến một khoảnh đất trống không, hình như là bị bỏ hoang hay đã từng bị tàn phá. Trên người chúng trang bị đầy đủ, khiến thân người của chúng vốn đã rất cao lớn so với một người Việt bình thường nay lại trông càng to hơn. Chúng vừa đi vừa nhìn dáo dác xung quanh, chốc chốc lại nhỏ giọng thảo luận bằng ngôn ngữ của chúng.

Gần khoảnh đất ấy có một rừng cây, trong rừng cây tập trung ba trung đoàn Việt Cộng. Khi nhận được thông tin có một lữ đoàn bộ binh Mĩ đang tới, những người lính giải phóng quân đều đã vào trạng thái sẵn sàng ứng chiến. Rìa rừng, một nhóm những người lính bắn tỉa đang nấp trên cây, dựa vào thiên nhiên mà ẩn nấp, nhắm súng tới những tên giặc đang đến gần. Phía dưới, lợi dụng địa hình quanh đây, một nhóm lính cũng đang phục kích, giương súng lên và chỉ chờ thời cơ tới.

Những tên giặc dường như không có chút phát hiện nào, dù rằng chúng vẫn ngó nghiêng xung quanh. Ban đầu chúng đến đây chỉ để huấn luyện, vậy mà giờ lại thành một trận chiến. Chúng tuy rằng có chút nơm nớp lo sợ, vì đám Việt Cộng lại có sở trường chiến tranh du kích, gây ra bao cơn ác mộng cho chúng, song chúng cũng không thể trái lệnh của cấp trên, trở thành những tên hèn nhát mà trở về đất nước của chúng.

Những bản mặt phương Tây xám xịt và nhễ nhại mồ hôi của chúng va phải ống kính của Việt, người cũng đang cẩn thận giấu mình trong màu xanh của cây cối. Việt chỉ thấy băn khoăn, sao trong bọn chúng có người da trắng, cũng có người da đen, cũng có người da nâu nâu. Cậu ít khi gặp người nước ngoài, đặc biệt là người Mĩ. Nghĩ lại thì cậu mới chạm trán lính ngụy vài lần, còn lính Mĩ thì không lần.

Một tiếng súng nổ vang, báo hiệu một trận chiến mới bắt đầu.

Vài tên bị thương, cũng vài tên đã ngã xuống. Lính Mĩ trở nên phòng bị, chúng hẳn đã chuẩn bị xong tinh thần để đánh trả. Chẳng mấy chốc, quanh mũi thoang thoảng mùi máu tanh, những bàn tay cầm súng lại càng chắc, dây thần kinh căng lên hết cỡ, như sắp đứt tới nơi rồi. Hai bên giằng co, không bên nào nhường bên nào. Lính Mĩ trở nên cẩn trọng hơn, ngắm thẳng tới những chỗ chúng cho rằng có quân giải phóng. Không ít người đã trúng đạn, được đồng đội bên cạnh che chắn, dùng chính tay mình tạm bịt lấy miệng vết thương, nhanh chóng để anh ta đi.

"Bịt lại, ráng chịu chút nghen."

Người lính bị thương sắc mặt tái nhợt, cắn răng gật đầu.

Khi trận chiến diễn ra chưa được bao lâu, có anh lính ngước mắt lên nhìn trời, gấp gáp kêu lên thảng thốt:

"Kìa, trực thăng!"

Tiếng cánh quạt trực thăng kêu xoành xoạch, một chiếc lại một chiếc đáp xuống. Những tên lính Mĩ to cao nhảy xuống khỏi trực thăng, chạy ngay tới giữa trận giao tranh, tham gia vào trận đánh. Quân giải phóng xung phong tiến lên, thương vong cũng theo đó lại tăng lên.

Viện binh, vậy mà chúng cử viện binh tới tiếp ứng nhanh đến vậy. Có khi nào là có đội quân khác của chúng đang đi tuần quanh đây? Việt cầm chặt cái máy ảnh trên tay, gân xanh nổi lên, lòng bàn tay túa ra mồ hôi.

Không ổn, trận này không giống với những trận trước đó.

Càng tới trưa, trận đánh càng diễn ra ác liệt. Dường như sự bắn giết lẫn nhau không ngừng ở đó, cơm trưa còn chưa thể ăn. Nắng nóng thiêu đốt da thịt, tầm mắt Việt bắt đầu hoa lên. Cậu tựa người vào thân cây bên cạnh để đứng vững hơn, cố gắng thở đều đặn, cảm giác cơ thể đã ổn hơn một chút, Việt quyết đoán chỉnh lại cái mũ cối trên đầu, lao ra khỏi nơi ẩn nấp an toàn của mình.

Dù biết chắc cơ hội có được tấm vé chuyến tàu "chết sớm" sẽ đến rất nhanh, Việt vẫn bất chấp mà chạy ra nơi khói lửa nhất. Chớp mắt đã có tay phát hiện ra cậu, cầm súng ngắm thẳng tới đầu. Không may cho nó, viên đạn vẫn chỉ trúng tới vai cậu, còn nó vì không chú ý đã ăn phải đạn của một anh giải phóng quân nào đó.

Chỉ là một cái thoáng qua với tốc độ bay của viên đạn, trên vai bắt đầu truyền đến sự đau xót tới đỉnh đầu, lan ra từng thớ thịt. Máu ứa ra, chất lỏng màu đỏ âm ấm, thấm ướt tấm áo. Việt chỉ thấy thân mình hơi lạnh, còn đâu vẫn thế. Cậu tự nhủ chỉ cần chịu thêm chút nữa thôi, chụp thêm một tấm ảnh giữa trận chiến, rồi về băng bó, liên lạc với đồng nghiệp để viết bài sẽ không thành cái vấn đề gì to tát.

Việt đúng là chỉ chụp thêm một tấm, đó là tấm mà cậu đã "canh" suốt. Khi ấy trời đầy khói, che gần hết cả ánh sáng trắng, và dường như tất cả chỉ là một màu đen tăm tối. Nhưng, như thế mới chỉ là bắt đầu mà thôi.

Việt nhếch nhác được một anh lính tốt bụng nào đó đưa tới bệnh xá. Cậu chụp được tấm hình là lúc cậu đã ngã xuống, có chút khó khăn mà thở. Chủ quan quá rồi, cậu cứ đinh ninh vết thương nhỏ chẳng đáng nhắc tới, thế mà để hở miệng vết thương, máu chảy nhiều quá, đến nỗi lịm đi mất, tưởng là sắp chết.

Tỉnh lại thì đã tối, còn trận chiến hôm nay kết thúc lúc hoàng hôn.

"Hôm nay dại quá các cô ạ."

Việt nằm than ngắn thở dài, thi thoảng quay đầu liếc bên này, ngó bên kia. Người của bệnh xá hiện tại chưa thêm một ai, còn những người của bệnh xá cũ thì vẫn chưa tới. Không biết Út Vinh thế nào rồi, chống nạng đi được chưa.

"Vâng, nhìn anh được các anh ấy đưa về mà bọn em sợ hết hồn đấy. Vết thương của anh không nặng, nhưng mất máu nhiều quá."

Chỉ một viên đạn trên vai, so với những chàng mất tay mất chân thậm chí mất mạng thì có là cái gì. Công nhận bản thân khỏe thật, mất máu đến như thế mà vẫn còn tồn tại.

"Mọi người trong này ổn không?"

"Dạ, cũng đều ổn cả rồi anh."

Việt gật đầu, mắt lim dim. Nằm không chán quá, vả lại cả người đều rã rời chẳng muốn làm gì, dần dà buồn ngủ. Việt nghĩ lần này nên chiều bản thân chút vậy, thế là cứ thế nhắm mắt nằm ngủ.

Ngày 7 tháng 11 năm 1966.

Mỗi ngày đều có trận chiến diễn ra, và càng ngày càng khốc liệt. Ít ai biết được chừng nào cái giờ phút địa ngục ấy mới qua.

Việt dưỡng thương vài ngày, tự tin mình trở lại là một chàng thanh niên khỏe như vâm, xách máy ảnh chuẩn bị ra chiến trường. Đột nhiên sau lưng có người gọi, Việt quay lại. Vẻ mặt mệt mỏi thiếu ngủ của cán bộ chỉ huy hiện ra trước mắt, không khỏi làm Việt sửng sốt vài giây. Trái ngược với cậu, một người nằm yên trên giường bệnh, thì những người lành lặn đều phải ăn không ít khổ trên chiến trường.

"Anh có đồng nghiệp ở Trung đoàn 1 nhể?"

Cán bộ chỉ huy mệt mỏi đưa tay lên xoa xoa mắt, dường như ông cảm thấy làm như thế khiến ông tỉnh táo lên không ít.

Việt nhớ hình như đúng là có một anh thanh niên quay phim làm cùng tòa soạn với mình đang tác nghiệp ở Trung đoàn 1 thật. Hai người dù có cùng điểm đến nhưng hành trình cùng quãng đường đi khác nhau. Anh bạn đó đi thẳng một đường đến "cái hang quái vật ăn thịt người" Quảng Trị, cách gọi mà anh bạn đó cho là thân thương và thiết thực nhất, rồi sau đó đến Quảng Ngãi.

Việt nhớ ra, vầng một tiếng rồi gật đầu. Viên cán bộ chỉ huy ngao ngán chặc lưỡi, nói:

"Chậc, anh bạn đó mới vừa hi sinh hôm qua. Không biết anh cầm máy quay phim của anh bạn đó được không nhỉ?"

Việt mở to mắt, không tin nổi nhìn ông. Anh chàng đó số sướng lắm, hồi tháng 8 năm 65 còn được tận mắt nhìn trận Vạn Tường diễn ra ở Quảng Ngãi cơ mà. Trận đó còn ác chiến, anh ta còn không có mất cái tay cái chân nào, vậy mà sang đến trận này... Việt não nề.

Chiến tranh không tránh khỏi sự hi sinh mà, anh ấy chỉ là một trong số rất nhiều những người nằm trên chiến trường nguội lạnh nồng mùi máu tanh mà thôi.

Cái chết đến thật dễ dàng, còn rất nhanh, nhanh đến chẳng kịp trở tay thì đã chết rồi.

Nhận lại cái máy quay phim, nó vốn cồng kềnh và nặng, giờ đây nó còn nặng hơn nữa, mà Việt cũng chẳng hiểu sao trên người mình lại nặng nề đến thế.

Việt ra đến chiến trường là khi mùi khói súng đã rất nồng, mùi máu tanh đến gay mũi. Trời xám xịt, lần này là nó xám thật. Khói đen lởn vởn trong không gian, nheo mắt lại lờ mờ có thể thấy được hình dáng của những chiếc xe tăng.

Những tiếng vút vút, đoàng đoàng, đùng đùng mãi mà vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Hỏa lực của quân giải phóng được củng cố thêm rất nhiều, đạn pháo bắn liên tục, mà bên kia cũng không hề dè chừng. Giữa bãi chiến trường có bao nhiêu khóm lửa, chẳng ai biết, nhưng lửa vẫn cứ cháy, còn người lính vẫn bình thản băng qua.

Quân giải phóng xung phong tiến công không hề nao núng. Trong khoảnh khắc những người lính ấy chạy băng qua, Việt thấy anh Được và anh Tiến chạy nhanh hơn tất cả, có vẻ như họ quyết tâm lắm. Việt ấn tượng, tiện tay giơ máy ảnh chụp một tấm rồi thôi, cũng vận động thân thể rồi chạy theo cùng.

Phi cơ không quân của Mĩ bay tới rồi, Việt dừng lại nheo mắt nhìn. Chúng thả những "vị tử sĩ" xuống tính theo hướng mà chúng bị thả xuống thì là chỗ đơn vị bộ chiến của Mĩ. Việt sững sờ, chân lùi một bước về sau. Chúng nó thế nhưng bất chấp tất cả để giành được thắng thế, kể cả thương vong đôi bên!

B-52, thế mà là B-52, chúng cử hẳn B-52!?

Việt nuốt nước miếng, mắt trợn trừng, cả người đều căng thẳng.

Napalm đã dội xuống, tiếng vang lớn inh tai nhức óc. Một ánh sáng đỏ rát lóe lên, lại thêm nhiều ánh sáng ở gần đó, khói dày đặc như mây mù sương phủ trên núi cao. Mặt đất rung chuyển, tiếng la ngất trời. Việt định bấm máy, cả người đều vẫn căng cứng, ngón tay lại không nghe lời. Sợ chắc là cảm xúc của cậu bây giờ.

Việt bình ổn tâm trạng, không còn có cảm hứng để tiếp tục chụp nữa. Cậu cứ đeo máy ảnh trên cổ, chạy đến nơi vừa bị bom dội xuống. Cách mà chúng áp dụng có hơi tàn bạo, nhưng quả thực có hiệu quả khi đã đẩy lùi được cuộc tiến công ấy.

Việt nhìn xung quanh, một mảng tan hoang, đổ nát, lửa cháy hừng hực. Màu đen khói đạn đều vương trên gương mặt của mỗi người. Việt ngó quanh, hầu hết đều ngã, không ít người thương vong.

Việt tìm thấy anh Lành và anh Tiến, anh Tiến thì đang nằm giữa vũng máu, cả người nhầy nhụa màu đỏ. Anh bị bỏng nặng, có khi cả người anh như bị thiêu cháy, quần áo đều bị cháy xém, đâu còn cái dáng vẻ thư sinh "tiểu tư sản" mọi khi nữa đâu. Anh Tiến gấp gáp thở, anh muốn nói nhưng chỉ có thể thốt lên những chữ vô nghĩa. Việt lướt xuống một chút, kinh ngạc định hỏi mà không thốt thành lời.

Chân của anh đâu rồi?

Việt đứng sững như trời trồng, nhìn xung quanh tất cả mọi người, bất lực thấy vài anh trút hơi thở cuối cùng. Việt nhói đau, những người ấy đều từng là những thanh niên vui tươi, giờ đây chỉ còn sót lại hơi tàn.

Việt hít lấy một hơi thật sâu, giữ bình tĩnh chạy đi tìm một cái cáng, tính giúp anh Lành đỡ anh Tiến mang về bệnh xá chữa trị.

Anh Lành ngồi quỳ bên cạnh anh Tiến, cả người ngoại trừ bị chảy máu vài chỗ và trông có hơi bẩn ra thì đều không có vấn đề gì khác. Anh hoảng loạn, không ngừng động viên:

"Tiến! Ráng chịu thêm chút nữa thôi, ráng lên!"

Càng ngày càng thấy hơi thở anh Tiến nặng nề, máu chảy ra cũng nhiều hơn rồi, anh Lành mặt trắng bệch, sốt sắng:

"Máu, máu chảy nhiều quá. Tiến ơi, tôi phải làm sao, phải làm sao đây, phải làm sao bây giờ? Tiến, Tiến chờ tôi, tôi đưa Tiến về."

Ngay sau đó, Việt chạy nhanh mang tới một cái cáng, cùng anh Lành nâng anh Tiến lên, đặt lên cáng, dùng tốc độ nhanh nhất mang anh tới bệnh xá.

Vì quá lo sợ, anh Lành không ngừng lặp lại:

"Tiến ơi, Tiến đừng nhắm mắt! Sắp rồi, chúng ta sắp về tới rồi!"

Ẩn quảng cáo


Cả đoạn đường đi, anh Lành nói liên tục, còn Việt thì trầm mặc. Đến khi để bác sỹ cấp cứu cho anh Tiến rồi, Việt vẫn chưa thả lỏng ra. Anh Lành cũng lo, cứ ở bên cạnh anh Tiến không rời, thi thoảng còn hỏi mấy câu quấy rầy đến bác sỹ.

Anh Lành như vậy mà không ngồi bó gối, tái mét lẩm bẩm vì sợ chết như mọi khi. Phải chăng anh vì quá lo lắng cho đồng đội mà cũng chẳng để ý nữa. Hoặc có khi anh vẫn sợ đấy, nhưng vì đồng đội đang nguy hiểm, không nên để người khác thấy lo thì hơn, nên anh mới vờ như không sao cả.

Việt ra ngoài, không thấy Siêu cùng anh Được. Cậu vội quay về chiến trường trong hồi hộp, tim như muốn nhảy ra khỏi lồng ngực mà vẫn chạy một mạch không nghỉ. Cậu tìm xung quanh, xác người nằm la liệt nhưng đều không có họ. Việt mải miết đi tìm ở một phía mà không để ý tới một phía bên kia.

Siêu quỳ xuống, gắng trấn an bản thân, đỡ lấy anh Được ngồi dậy. Thảm trạng của anh Được thảm đến không thể tả xiết, cả người đâu đâu cũng thấy chất lỏng màu đỏ chảy ra, tí tách rơi xuống đất. Mặt anh giờ cũng không thể nhận ra nổi được nữa.

"Anh Được, anh ráng nhịn đau, tôi cõng anh."

Anh quay lưng, định cõng anh Được. Ngờ đâu anh Được không nhúc nhích, hô hấp đứt quãng, ngón tay run rẩy chạm lên tay áo của Siêu. Anh muốn dặn dò, mà anh không còn sức để dặn nữa.

Siêu như nhận ra được, ngậm ngùi nói:

"Cái Tiên, anh ơi, cái Tiên, cái Tiên nó đang đợi anh, chị nhà đang đợi anh, anh cần phải sống!"

Anh Được chỉ có thể tựa vào người Siêu mà thở từng quãng, không thể trăn trối những lời cuối cùng. Còn ai có thể hiểu tình trạng của anh hơn chính anh đây. Anh chỉ muốn dặn Siêu mang tất cả đồ của anh về, nhưng anh không thể nói.

"Anh... Anh muốn tôi mang gì về không, có cần tất cả không?"

Siêu nhỏ giọng hỏi, chỉ thấy anh Được run rẩy dùng ngón tay đưa lên một ít, chỉ vào chính mình.

Khi Việt tìm được tới nơi, anh Được đã không còn.

Anh yên lặng nằm trên mặt đất, như mọi khi anh hay nằm lười vậy. Chỉ là, anh không thể dậy được nữa, mọi người cũng không thể lôi anh dậy được nữa.

Việt giữ yên lặng, lẳng lặng đi đến bên cạnh Siêu đỡ anh đứng lên, cũng như là mang anh quay trở lại chỗ mọi người. Cậu biết, bây giờ cậu không thể nói gì hơn ngoài hành động, cũng không biết nên mở lời thế nào mới phải.

***

Khi trở lại, Việt muốn đi xem anh Tiến ở bệnh xá như nào rồi, Siêu cũng đi cùng.

Anh Lành vẫn canh chừng bên cạnh anh Tiến, không hề rời đi. Thấy mấy người Việt tới, anh vẫy tay gọi lại.

"Anh Tiến sao rồi?"

Anh Lành ủ rũ lắc đầu, nhìn sang anh Tiến được quấn gạc trắng quanh thân nhắm nghiền mắt. Việt hụt hẫng, một ngày như vậy mà đã có hai người trong cùng một tiểu đội... Không, phải là mỗi ngày ở trên đất nước này đều có người nằm xuống.

"Anh nhà báo, tôi nhờ anh một chuyện được không?"

Anh Lành đột nhiên gặng hỏi, hai tay xoắn lại vào nhau như e sợ Việt sẽ không đồng ý. Việt vốn không có ý từ chối, nói:

"Vâng, có gì anh cứ nói."

Anh Lành hơi ngượng ngùng, khẽ nói:

"Anh... có thể hát cho Tiến nghe không?"

Việt tròn mắt, hát ư? Nhưng anh Tiến đã... Cậu liếc nhìn Siêu đứng bên cạnh, Siêu cũng nhìn cậu, lắc đầu tỏ vẻ không biết. Việt lia ánh mắt băn khoăn của mình sang anh Lành, anh gượng cười, lắc đầu không nói.

Nghe Việt hát, thực ra là nguyện vọng cuối cùng của Tiến, chỉ anh Lành biết được điều này. Các cô gái ở đây đều có giọng hát hay lắm, bao anh nghe đến mê đắm tâm hồn, nhưng đến cuối anh Tiến lại chỉ muốn nghe Việt hát, thực chất là vì Việt có giọng của người Bắc.

Tiến là một trong những đứa con của một gia đình trí thức sống ở Sài Gòn - Gia Định. Gia đình anh tiếp thu nền văn hóa phương Tây, tham gia ủng hộ phe Mĩ ngụy, những đứa con của họ cũng thế. Có thể nói, cả gia đình ấy căm hận Việt Cộng mà không rõ nguyên do. Tiến cũng được giáo dục về tư tưởng đó, chỉ cho tới khi tự chính anh phát hiện ra sự thật.

Anh là người Việt, không phải người Mĩ.

Nơi anh ở đúng là Việt Nam, vậy tại sao Việt Nam Cộng hòa lại bắt người Việt Nam đi mất, sao lại tàn nhẫn tàn sát họ đến thế? Lúc đó anh không hiểu, các anh chị em khác đều chỉ nhìn anh cười khẩy, như khinh thường anh vậy.

Năm lên mười ba, Tiến gặp một người cộng sản, lần đầu tiên anh thấy Việt Cộng gần đến như thế. Ban đầu Tiến cũng không biết đó là cộng sản, chỉ thấy chị gái đó thật tốt bụng, tốt hơn cả các anh chị ruột thịt. Chị gái đó có chất giọng rất êm tai, ngọt ngào, mà theo lời chị nói, đó là giọng của người con gái xứ Huế.

Lúc ấy Tiến chỉ nghĩ, Huế là ở đâu thế, anh muốn đến Huế.

Chị ấy còn nói, giọng Hà Nội nghe cũng hay lắm đấy.

Tiến thắc mắc, Hà Nội không phải là "ổ" của đám Việt Cộng sao, đám đó biết nói thứ tiếng mà Tiến hay nói ư. Chị gái xoa đầu Tiến, khẽ cười, bảo rằng Hà Nội là thủ đô của Việt Nam, nằm ở miền Bắc, còn đây là Sài Gòn, nằm ở miền Nam; hai miền Nam Bắc vốn là một. Tiến không tin.

Chị ấy nhẹ nhàng kể lại cho Tiến nghe về lịch sử mà chị biết, từ thời nhà Nguyễn thì hai miền vốn là một. Sau khi kết thúc kháng chiến chống Pháp thì tạm thời bị chia cắt, còn bây giờ thì bị Mĩ chiếm mất phía nam. Tiến hơi dao động nhưng vẫn chưa tin lắm.

Chị ấy chỉ đành bất lực, cho Tiến một cây bút. Trước khi rời đi, chị ấy còn nói, nếu như cộng sản mà độc ác như những gì Tiến biết thì ngay từ đầu, chị sẽ không nói chuyện một mình với Tiến. Tiến cứ đứng ngẩn ngơ mãi, sau đó bí mật đi tìm những bài viết về Bắc Việt Nam và cộng sản. Càng đọc, Tiến càng thấy những điều khác biệt với những gì mình biết, và rằng lòng anh đã xao động.

Thi thoảng, anh âm thầm rời nhà. Anh dần phát hiện, Mĩ ngụy cũng không hề lí tưởng đến vậy. Chúng cũng là người, không phải là thần. Anh không biết, tự bao giờ lòng anh đã hướng theo cộng sản.

Anh nuôi ước mơ lên Hà Nội làm nghề báo, ba má anh hoàn toàn phản đối, còn nói nếu anh dám đi thì sẽ đoạn tuyệt quan hệ. Anh đi thật.

Vì không có điều kiện để lên Hà Nội, anh đã đi lính, tham gia vào quân giải phóng miền Nam Việt Nam.

Lần đầu gặp Việt, cũng là lần đầu anh nghe giọng người Bắc. Nó không ngọt ngào, đằm thắm như giọng của người Huế, nó là một cái gì đó xa xăm, cũng thật lạ lẫm đối với mỗi anh ở đây. Anh thật sự rất ngưỡng mộ Việt, mỗi lần cậu viết cái gì anh đều ngó qua một chút, dù chẳng thể đọc hiểu được những con chữ ấy.

Tất cả những điều đó đều được anh ghi vào nhật ký, để cho anh Lành đọc, như mong muốn có một người biết được anh đã từng như thế nào. Anh Lành cũng đã hiểu được vì sao Tiến thường xuyên không có thư nhà, cũng như ngầm hiểu nguyện vọng cuối cùng của anh.

Dù Việt không hiểu tại sao, cậu vẫn chọn sẽ hát. Biết đâu, anh Tiến có cái sở thích là nghe giọng người ta thì sao, mà giọng người Bắc thì hiếm thấy.

"Tôi nhắc trước, giọng tôi không hay lắm đâu."

Anh Lành xua tay, không để tâm mấy. Anh đẩy đẩy Việt ngồi xuống bên giường của anh Tiến, bản thân háo hức chăm chú lắng nghe, Siêu cũng gia nhập cùng anh.

Việt nhìn anh Tiến một chút, nghĩ ngợi, lúc sau mới cất tiếng:

"Ngày nào ra đi giữ quê hương

Bước anh đi nhịp đời dâng dâng trào"

Trong đầu như hiện lên hình ảnh của hàng người mặc áo màu lá ở ga tàu, ôm lấy người thân không rời. Ở đó có nước mắt, cũng có tiếng cười, tiếng reo hò. Còi tàu ngân vang, xa lắm. Hiện lên cả hình ảnh của hàng dài đi vào rừng sâu, từng bước mạnh mẽ đi như nện từng miếng đất đá dọc đường, như xé rừng mà đến mặt trận.

"Vì mùa xuân thống nhất non sông

Dẫu đổ thắm máu đỏ

Đất nước đó hôm nay cờ hoa

Tưng bừng ngàn tiếng ca

Là một phần xương máu anh hiến dâng cho cuộc đời"

Chiến tranh, hi sinh là điều không thể tránh khỏi. Ai mà chẳng sợ chết, có điều không sợ thái quá như anh Lành mà thôi. Nhưng hi sinh vì tương lai, có tiếc gì đâu. Chết dễ lắm, nếu tin vào kiếp sau thì mình cũng nhiều mạng lắm, có anh từng chia sẻ như vậy đấy.

"Nghe bát ngát hương trời dập dìu bay tiếng sáo xa vời

Em bé hát môi tươi nụ cười ngôi trường mới xinh tươi

Ai chiến đấu quên mình vì đời vui tiếng hát thanh bình

Từ lòng tôi dâng tiếng hát lên các anh muôn đời"

Tưởng tượng mà xem, quê hương ta mới đẹp lắm thay. Việt nghĩ, mình chiến đấu không phải là vì những điều ấy hay sao.

"Lại về đây bên tiếng máy reo

Những đường cây về rừng xanh sông dài

Là màu xanh quân ngũ năm xưa

Anh về với em thơ"

Rừng cây, dòng sông chảy dài, suối kêu róc rách. Một vùng bạt ngàn đến vậy, cũng nguy hiểm lắm đấy. Có cô dân quân nào nói đùa, còn chưa kịp đánh giặc đã phải đi vật hổ rồi.

"Khắp đất nước hôm nay mùa xuân

Vui nhịp kèn tiến quân

Lại về đây chung sức anh góp công xây dựng đời"

Việt còn ấn tượng với người bạn "tư sản" ở Hà Nội. Gã đó là một người lười chính hiệu, suốt ngày kêu là làm cái gì cũng khổ, còn tự xưng mình là "lười tinh". Thế mà giờ gã đã tham gia binh chủng phòng không - không quân, lại chẳng thấy kêu ca gì nữa, còn nói: "Gì, khổ đâu, ai biết khổ định nghĩa thế nào đâu."

Ẩn quảng cáo


"Như những tháng năm nào lời thề vang trên những chiến hào

Nay bước tiếp trên con đường dài xây cuộc sống tương lai

Ai chiến đấu quên mình vì đời vui tiếng hát thanh bình

Từ lòng tôi dâng tiếng hát lên các anh muôn đời"

Câu hát, không phải chỉ để tặng cho anh Tiến, anh Được, mà còn cả rất nhiều anh đã ngã xuống ở đây, trong trận chiến này và những trận chiến trước đó, cả những anh vẫn đang cầm súng lên, vì tất cả mà chiến đấu. Việt đau đáu nhìn phía bên ngoài, ánh sáng buổi ngày đã lụi tàn đi rồi.

Giọng Bắc trầm trầm, như đưa người nghe đến với cái hào hùng. Giọng hát không phải là hay nhất, nhưng người nghe vẫn cứ nhớ nó, hẳn là do giai điệu lời nhạc đi.

Khi tiếng hát đã dứt, mọi thứ vẫn như thế, các bác sỹ vẫn đi qua đi lại chăm sóc cho từng người.

Ba người kéo nhau ra ngoài, ngồi dưới gốc cây. Siêu mò mẫm trong người, hình như là tìm thuốc lá, bị Việt ngăn lại:

"Thôi khỏi, tôi không cần đâu."

Anh Lành tán đồng, anh chưa từng hút thuốc bao giờ nên cũng không thích.

Ngồi một lúc lâu, không ai lên tiếng cả. Khi nhìn vào màn đêm đen kịt ở sâu trong rừng cây, Việt như đã hiểu được tâm trạng của Siêu những ngày mới gặp mặt. Thấp thỏm, lo lắng, nơm nớp, bất an, sợ hãi.

Tiểu đội phải có tới sáu người, hiện giờ chỉ có hai người ngồi đây. Nhớ ra anh Long và Út Vinh mãi chưa tới, Việt hỏi:

"Ở chỗ cũ xảy ra chuyện rồi à?"

Anh Lành đáp:

"Cũng không rõ nữa. Mấy đợt này anh cũng nghe thấy rồi đấy, máy bay bay qua hơi nhiều."

Mỗi lần máy bay bay ngang qua là một lần thần kinh lại căng lên như dây đàn, chỉ sợ có một ngày chúng bắn phải chỗ này thì biết thiệt hại bao nhiêu. Biết là chúng nghi chỗ này nhiều lắm.

Ba người thanh niên ngồi mãi trong đêm, cho tới khi có người tới gọi thì mới rời đi.

***

Siêu mang cho anh Lành xem đồ vật còn sót lại của anh Được, còn bảo tất cả đồ ấy phải gửi về cho gia đình của anh. Cất kỹ nhất là một mẩu giấy nhỏ, to còn chưa bằng một bàn tay, được Siêu mô tả anh Được bảo quản nó như Việt chăm sóc máy ảnh vậy, cẩn thận và nâng niu.

Mẩu giấy ghi đúng một chữ "sẽ".

Anh Lành đoán mập mờ:

"Đây là sẽ về à?"

Siêu đồng tình, cũng chêm ý kiến của mình vào:

"Chắc đó là lời hứa sẽ về."

Cái này nhắc tới thì nghe cũng có lý, cái sẽ của bọn họ thì cũng chỉ có thể là cái sẽ trở về. Mà sẽ trở về thì luôn là một lời hứa.

Việt nãy giờ tâm tình ảo não nặng nề, không nhịn được bịa đại ra một câu đùa:

"Nhưng cũng không hẳn là thất hứa. Anh Được đâu có hứa về trong dạng người đâu?"

Cảm nhận được cái lườm của anh Lành và Siêu, Việt lạnh đến sởn da gà. Lúc sau, bắt đầu là anh Lành, rồi kế tiếp là Siêu, đều phì cười. Như mọi căng thẳng đều theo đó mà bay biến mất, thoải mái hơn chút.

Đúng là hứa sẽ về, còn về trong dạng người hay không thì không có hứa.

Ngày 27 tháng 11 năm 1966, cơn ác mộng Attleboro kết thúc, hai phe đều có thiệt hại nặng. Mĩ công bố số lượng người thương vong của hai phe, lại tăng số người chết bên Việt Cộng lên quá lố, cũng không ai để ý.

Chiến dịch này, hai bên đều có phần thắng của riêng mình.

Khi kết thúc chiến dịch, tất cả phim mà Việt mang theo đúng lời của người chỉ huy đã nói, hết sạch, còn thiếu nữa. Đến đoạn cao trào của chiến dịch thì đúng là tốn khá nhiều. Cả tháng 11 sống đều không yên.

Út Vinh và anh Long đều đã hội họp lại với tất cả. Khi đoàn quân rời đi không lâu thì B-52 oanh tạc ở chỗ đó, mọi người khi ấy phải chạy trốn tạm thời, mất liên lạc ít lâu. Cũng may tất cả đều không sao, có thể tiếp tục theo đoàn quân rút lui tiếp.

Sau chiến dịch, đầu tháng 12, quân giải phóng "nhổ trại" rút lui về phía biên giới với Campuchia, cũng là lúc Việt phải lên đường đến nơi khác. Con đường làm phóng viên chiến trường mà, đi nhiều nơi là việc đương nhiên. Khi chia tay, ai nấy cũng đều bịn rịn, thực ra Việt thấy họ bịn rịn những buổi tối nghe mình kể chuyện hơn ấy.

Cán bộ chỉ huy ôm chầm lấy cậu, vỗ bôm bốp vào lưng, khen "Khá" nhiều lần. Út Vinh chủ động qua bắt tay, nghiến răng nghiến lợi ép cậu ghi nhớ chuyện của cậu ấy không được nói cho ai. Anh Long và anh Lành cũng đều bắt tay, có vài chuyện tính nói nhưng nụ cười chắc đã nói hết rồi.

Tạm biệt họ, Việt quay người dắt xe đạp, Siêu đi theo tiễn cậu rời khỏi đây. Đi chưa bao xa, Siêu lên tiếng hỏi:

"Anh phải đi đâu?"

Việt bất đắc dĩ lắc đầu, cậu cũng chưa được biết, cứ chờ xem các thủ trưởng tính đem cậu đi đâu, hoặc là gặp phải đoàn quân nào đó thì cứ thế "bám" theo tạm thời.

"Tôi sẽ gặp lại anh chứ?"

Siêu băn khoăn. Phải ở cùng nhau khoảng ba tháng trời, ngày nào cũng gặp rồi tâm sự, cũng có chút gắn bó nên lưu luyến. Việt cũng giúp anh vơi đi nỗi lo lắng hướng tới quê nhà, gửi gắm chút hi vọng để chiến đấu tiếp, bản thân anh cũng biết ơn một ít, đêm trước cũng trăn trở không biết có thể gặp lại Việt không.

Việt cười cợt, đùa bảo:

"Chúc thọ tôi trước đã, không thì tôi sẽ gặp anh trong cái dạng trong suốt đấy."

Phóng viên chiến trường, liên lạc, du kích, những công việc đi nhiều với khả năng chết sớm rất cao. Việt hiểu rất rõ mức độ nguy hiểm của cái nghề này, song vẫn bàng quan dửng dưng như không. Chính cậu cũng lạ, người khác chết thì cậu sợ, cậu chết thì cậu không sợ.

Siêu bật cười thành tiếng, mới hơn hai chục đã đòi chúc thọ rồi, già đi nhiều tuổi đến thế là cùng. Việt thấy anh cười, mới đầu sửng sốt, rồi thành thật đánh giá:

"Lần cuối tôi thấy anh cười tươi như vậy là lần đầu tiên tôi gặp anh đấy. Anh cười lên đẹp trai ra phết, sau này cười nhiều lên chút."

Siêu gật đầu đáp ứng, chốc lát sau lại hỏi:

"Sẽ là bao lâu?"

Bao lâu nữa anh sẽ gặp lại Việt, bao lâu nữa anh sẽ được về nhà, bao lâu nữa thì chiến tranh mới ngừng. Tất cả xoay quanh "sẽ", nhưng nó mơ hồ quá, không đoán được.

Việt nhún vai, đáp:

"Tôi cũng không biết nữa, một lúc nào đó ở tương lai chẳng hạn. Nhưng, chắc chắn nó sẽ tới."

Cậu khẳng định như vậy. Sẽ là bao lâu thì không biết, cái gì nên xảy ra thì chắc chắn xảy ra thôi. Lạc quan thì nó nên như thế.

Sắp tới giây phút chia tay, bầu trời dần chuyển sáng. Thấp thoáng từ phía đông, đằng sau những dãy núi chập chùng, một thứ ánh sáng từ từ nhô lên. Việt và Siêu dừng lại, đứng nhìn mặt trời mọc.

"Chà, tháng 12 rồi nắng vẫn lên kìa."

Việt cảm thán, ngoài Bắc thì tầm này là mùa đông, khó thấy mặt trời. Siêu đứng bên cạnh, vươn bàn tay ra như muốn nắm lấy, cảm nhận lấy ánh sáng đó.

"Tôi nghĩ tôi phải đi rồi đấy, anh cũng nên trở về cùng họ đi thôi."

Siêu gật đầu, chủ động đưa tay ra, bắt tay thật chặt với Việt. Việt đưa tay đáp lại, rồi trèo lên xe đạp, vẫy tay tạm biệt với Siêu.

"Này anh giải phóng quân ơi, hãy nhớ nhé, mỗi sớm mai sóng sẽ vỗ về bờ!"

Việt nói không quay đầu lại, đạp thẳng đi liền một mạch. Siêu mới đầu ngây ra, rồi nhoẻn miệng cười, gọi với theo:

"Ừa, anh nhà báo nhớ sống thọ chút nghen!"

Phía đó chỉ còn văng vẳng tiếng cười nhí nhảnh của Việt, rồi khuất dần không còn nghe thấy nữa.

[hết]

***

Lời cuối của tác giả:

- Bài hát ở chương này có tên là “Vì đời vui tiếng hát” của nhạc sĩ Vũ Thanh, sáng tác năm 1951. Bài hát này không quá nổi tiếng, tới mức lyric cũng không có trên Google. Lời bài hát là tôi tự nghe mà viết ra, chắc cũng chỉ đúng khoảng 90%.

- Cuối cùng thì xin chân thành cảm ơn ạ!

Báo cáo nội dung vi phạm
Ẩn quảng cáo

Nhận xét về Mỗi Sớm Mai Sóng Sẽ Vỗ Về Bờ

Số ký tự: 0