Chương 8: Ta sẽ không bỏ cô lại đây đâu.

Ta đau đến nước mắt giàn giụa, mơ hồ tỉnh dậy ta thấy ông thầy lang già đang loay hoay lấy bông thấm máu và mủ vàng từ vết thương của ta. Ta nhìn vết chém dài khoảng năm tấc (1) dọc từ đùi đến đầu gối mà tiếp tục khóc. Lỡ như bị nhiễm trùng vết thương to như này chắc ta bị hoại tử rồi chết luôn chứ chẳng kịp nghĩ nữa. Thuốc mê Tài cho ta hít vẫn chưa tiêu tan hết nhưng vì quá đau mà ta chẳng thể hôn mê hoàn toàn được nên cứ mơ mơ màng màng. Nhìn thầy lang cứ cầm hết lớp bông này đến lớp bông nọ thấm máu và mủ dịch mà ta tức không thôi.

“Ông làm thế đến bao giờ? Ông mau mang ít rượu trắng tới đây để ta tự làm!”

Lão thầy lang bất ngờ nghe thấy tiếng của ta thì quay qua nheo mắt nhìn, ánh mắt ông cũng tèm nhèm chẳng rõ nữa ấy chứ, thế này thì độ xử lý chính xác không thể nào cao được.

Thấy ông cứ chậm chạp nên ta sốt ruột gào lên:

“Tài, Vũ Tài, anh ở đâu mau kiếm cho ta một bình rượu trắng nhanh lên!”

Tiếng Tài vọng lại từ bên ngoài:

“Cô muốn lấy rượu để làm gì?”

“Sao anh nhiều lời thế, mau kiếm lại đây để ta rửa vết thương. Nhanh không ta sắp chết rồi!”

Chỉ nửa khắc sau Tài bước vào đưa cho ta một bát rượu trắng, ta vội với lấy đám bông từ chỗ của lão thầy lang, đoạn nhìn Tài đang quay lưng lại với ta:

“Ta không ngại thì thôi anh ngại cái gì, có khăn tay hay vải vóc gì không đưa ta mượn mau lên đi.”

Hắn vẫn không quay lại mà chỉ len lén đưa cho ta một chiếc khăn tay, ta vội giật lấy đưa lên miệng cắn chặt. Ta sợ nếu rửa vết thương có xót hay đau quá ta sẽ không vô tình cắn chặt răng mà cắn phải lưỡi, chưa chết vì hoại tử mà chết vì tự cắn đứt lưỡi thì đúng là bách nhục.

Thực ra ta cũng chẳng rõ cách rửa vết thương này đối với tình trạng của bản thân có phù hợp hay không nhưng ta hết cách rồi. Điều hối tiếc nhất trong cuộc đời ta là đã không chịu theo cha học hỏi y dược một chút để giờ lâm vào tình cảnh này lại lóng ngóng chẳng biết làm sao.

Ta dùng bông thấm một chút rượu rồi lau qua miệng và vùng xung quanh vết thương, đồng thời với lấy hộp thuốc mỡ trong tay thầy lang bôi xung quanh một lượt rồi lấy băng vải băng lại. Cố gắng làm thật nhanh để giảm thiểu cơn đau nhưng vì ta đang yếu nên tay không có lực, lão thầy lang thì cũng thế, chẳng còn cách nào khác ta lại phải mặt dày nhờ vả tên công tử cứ dửng dưng chẳng thèm đoái hoài gì đến ta phía ngoài kia:

“Anh còn đứng đó làm gì? Đến buộc giúp ta đi chứ.”

Ẩn quảng cáo


Xử lý xong xuôi thì thầy lang già mới ớ người ra kê cho ta mấy thang thuốc và để lại vài bình thuốc mỡ con con rồi rời đi. Hình như Tài đưa cho lão năm tiền và tiễn lão ra đến ngoài cửa. Ta nghĩ trong số năm tiền kia thì tiền bình thuốc mỡ là chín mươi văn (2), bông băng chỉ hai mươi văn là cùng. Còn lại chủ yếu là ta tự rửa tự băng vết thương là chính, ôi khám bệnh hóa ra lại đắt đỏ như thế này. Biết vậy ta chịu khó chăm chỉ theo cha học hành thì sau này cũng có cái ngón nghề câu cơm dễ dàng rồi.

Thuốc mỡ bắt đầu ngấm lành lạnh xoa dịu vết thương, lúc này ta chẳng còn chống cự được nữa nên trực tiếp để thuốc mê phát huy tác dụng. Ta lăn ra ngủ mặc kệ đang ngày hay đêm.

Sau đó ta sốt mê man. Mỗi ngày chị Châu đều đến hỏi han tình hình mà ta mệt quá chẳng nghe rõ những gì chị nói, chị đến mang mấy bát cháo loãng và thay bông băng cho ta. Ý thức mơ hồ, tay chân rụng rời vô lực, mọi cố gắng của ta đều không chống lại mí mắt cứ luôn sụp xuống. Thứ ta cảm nhận được chỉ là những thìa cháo nhạt trôi qua thực quản ê ẩm. Hết cháo lại đến thuốc, mà thuốc đắng tận tâm can.

Có những lúc ta tỉnh thì không thấy ai bên cạnh cả, căn phòng đóng kín im lìm khá tối, ta không rõ đang là ngày hay đêm. Nhà kho này vốn không phải nhà ở nên không có cửa sổ. Phải nói, mùi hương nơi đây cũng có chút khó miêu tả lắm. Đó là sự kết hợp của mùi ẩm mốc, mùi thóc, mùi bụi bặm, mùi tanh của máu, mùi nồng thuốc... khiến ta choáng váng không thôi. Ta sờ lên trán lôi cái khăn đã thấm đẫm mồ hôi xuống mà lòng buồn rười rượi. Chắc là Tài đi rồi.

Hôm đó hắn nói đang có việc gấp cần trở về ngay mà, chỉ vì tại ta nên mới khiến hắn lạc ở đây mấy hôm. Có lẽ hắn đang trên đường sắp tới kinh thành. Ta cũng chẳng có lý do gì để trách hay giận hắn cả, vốn dĩ ta với hắn đâu có quen nhau. Mà thôi, mệt quá ta chẳng buồn nghĩ nữa, nếu có chết thì là số phận đã định rồi. Ta cố gắng nghĩ như thế nhưng vẫn mong muốn một điều, đó là phải đấm Tài một vạn cái. Trong lúc ta vật vờ sắp chết mà hắn nỡ lòng nào bỏ đi. Đồ vô tình máu lạnh!

Nhưng dù có tức Tài đến đâu thì ta cũng mê man ngủ thiếp đi. Khi tỉnh lại thì trong phòng đã được thắp nến sáng rõ, có một bóng lưng thẳng rộng chắn ánh nến chiếu tới tầm mắt ta. Bỗng nhiên ta thấy cực kỳ vui mừng, vì ta không bị bỏ rơi.

Ta mở miệng muốn gọi hắn nhưng cổ họng khô rát chỉ khò khè được vài từ yếu ớt. Tài nghe thấy mấy tiếng như rắn săn mồi của ta thì quay lại. Không ngờ chỉ qua mấy ngày mà nhìn hắn hốc hác hẳn đi.

“Cô tỉnh rồi đấy à, uống nước nhé.”

“Ta… ngất mấy ngày rồi?”

“Qua đêm nay là bảy ngày.”

Lâu như vậy sao?

Ta chống tay muốn ngồi dậy thì Tài vội lao đến đỡ ta. Đầu vẫn đau lắm nhưng bụng ta còn đau hơn, ta đói đến thừ người. Hắn cho ta húp tạm bát cháo loãng rồi ấn ta nằm xuống. Chẳng biết ta đã thoát khỏi cơn nguy kịch bằng cách nào nhỉ. Có nhiều chuyện rất muốn hỏi nhưng cổ họng vẫn còn đau nên ta đành im lặng nhìn hắn đọc sách ghi chép gì đó.

“Ta tưởng chỉ khoảng vài ngày là cô khỏi thì sẽ tiếp tục đi, nhưng không ngờ cô bị nhiễm trùng vết thương nặng quá. Có thể do cây đao chém cô tối đó vốn chẳng sạch sẽ gì. Ta cũng không ngờ thầy lang khám bệnh bốc thuốc ở đây lại cao giá tới thế.”

Nhìn hôm ấy ông thầy lang già cầm bạc ra khỏi cửa là ta đã nhận ra rồi. Mọi khi ốm đau cha luôn khám cho ta và thuốc thang thì trong nhà chẳng bao giờ thiếu nên ta không biết ngoài kia tiền khám bệnh tốn kém vậy. Bảo sao vẫn hay có vụ con cái mắc bệnh nặng mà nhà nghèo nên chẳng thể chạy chữa nổi.

Ẩn quảng cáo


“Ta đang tính, chúng ta phải thật tiết kiệm mới có thể sống đến lúc cô lành hẳn để rời đi.”

Ta hiểu, dù ham chơi ham vui nhưng “con nhà nghề” nên ta vẫn khá nhạy bén với dòng tiền thu chi xung quanh. Móc đám bạc vụn trong ngực áo ra đếm mà ta thở dài thườn thượt vì chỗ này chỉ còn một quan bảy tiền. Ta nhớ khoảng hai mươi văn một thăng (3) gạo, thịt lợn thì đắt đỏ lắm, nhất ở nơi nghèo gần rừng núi này thì có khi chẳng có lợn để thịt bán. Vết thương của ta chắc đã động đến mạch hay gân gì rồi vì ta cảm giác như liệt cả một chân. Đợi lành hẳn có khi mất một tháng hoặc lâu hơn, nếu tính không cẩn thận thì ta sẽ chết vì đói mất.

“Tài này… anh định bao giờ thì rời đi?”

Tài gác bút ngẩng nhìn ta:

“Bao giờ cô khỏi thì chúng ta đi.”

Ta cúi đầu nhìn lại số bạc trong tay, biết mở lời như thế nào đây trong khi ta vừa muốn hắn ở lại giúp đỡ, vừa muốn hắn rời đi vì ta sợ liên lụy đến hắn.

Như đọc thấu suy nghĩ của ta, Tài thẳng thừng tiếp lời:

“Việc của cô là lạc quan lên, ta sẽ không bỏ cô lại đây đâu. Dù sao thì chính cô đỡ cho ta nhát đao này, ta còn nợ cô một mạng đấy.”

Lời nói này của hắn làm ta bật cười. Hắn thật tốt!

----------

(1): một tấc bằng 4cm, năm tấc bằng 20cm (hệ đo lường cổ).

(2): văn: bằng 1/69 tiền (đơn vị tiền cổ). Cụ thể: 1 quan = 10 tiền = 690 văn.

(3): thăng: đơn vị đong/ tính thóc gạo (hệ đo lường cổ).

Báo cáo nội dung vi phạm
Ẩn quảng cáo

Nhận xét về Mơ Bay Trắng Trời Đón Gió Xuân

Số ký tự: 0