Chương 6: Flechazo (6)

"Tớ chỉ ước ánh sáng sẽ mãi mãi tồn tại và bao bọc tớ bởi sự ấm áp."

...

Hoàng Minh bốn tuổi.

"Vinh, có thể… cho tớ chơi chung với được không?" Cậu nhóc lí nhí hỏi người bạn có chút hơi gầy và nhỏ bé đứng trước mặt mình.

Hoàng Minh năm nay mới bắt đầu đi mẫu giáo. Đáng lẽ ra vào năm ba tuổi thì cậu đã phải đi rồi nhưng vì thể trạng sức khỏe của cậu rất yếu, lúc vừa 14 tháng tuổi đã bị sốt xuất huyết một lần. Hơn nữa, lại có bà nội một tay chăm lo nên bố mẹ quyết định để cậu ở nhà.

Hoàng Minh cũng như bao đứa trẻ khác, trong cậu luôn có một tiềm thức mách bảo rằng đi mẫu giáo rất đáng sợ. Nếu cậu không ngoan sẽ bị cô giáo phạt đánh roi, còn có bị bạn bè cùng trang lứa ghét bỏ. Vì vậy, Hoàng Minh một khóc hai nháo, nằng nặc không muốn đi. Nhưng vỏ quýt dày thì phải có móng tay nhọn, Hoàng Minh càng lì lợm bao nhiêu thì bố mẹ cậu lại càng kiên trì bấy nhiêu. Cuối cùng sau nửa ngày đánh vật với cậu, bố mẹ đã khuyên được nhóc lì lợm ấy đi học.

Nhưng vấn đề đánh thức cậu dậy vào mỗi buổi sáng mới chính là điều khó khăn nhất. Hoàng Minh là một đứa trẻ rất bám mẹ, cũng rất ham ngủ. Mỗi buổi sáng cậu dậy mà không thấy mẹ đâu là sẽ òa lên khóc tu tu ngay lập tức. Vì thế, mẹ cậu đã cố gắng gọi cậu dậy sớm để ăn sáng cùng mình, giúp cho bé con không nháo vào mỗi buổi sáng sớm, tránh làm ảnh hưởng đến cả xóm vì tiếng khóc ai oán của cậu. Nhưng khổ nỗi, dùng mọi cách để gọi cậu dậy thì chẳng được, Hoàng Minh hết bảo mẹ làm buồn chân cho con, lại rút tay, rút chân nhưng mắt cậu cứ nhắm tịt lại, có tỉnh đâu. Mẹ cậu bực quá, không thèm gọi cậu nữa, đành mặc kệ cậu luôn rồi đi làm. Tóm lại, nhiệm vụ cao cả đưa nhóc con đi học lại rơi vào tay của bố.

Chuyện này kể ra có chút buồn cười nhưng từ lúc tỉnh dậy đến suốt cả dọc đường đi, Hoàng Minh không hề có ý định ngừng khóc. Cậu khóc không biết mệt và dù cho có khóc đến tận chân trời góc bể, khóc hết cả một dải ngân hà thì cậu vẫn ăn hết một bát cháo quẩy nhỡ một cách ngon lành, uống hết một cốc sữa âm ấm đã được mẹ pha trước đó và được để trong bát nước cho nguội bớt. Cuối cùng là được bố cài cái địu sau lưng rồi chở đi học. Hoàng Minh quả thực giống như một chú rô-bốt đã được lập trình sẵn như vậy cho tất cả các ngày đi học trong tuần.



Mọi thứ sẽ rất bình thường nếu cậu không phải là một cậu nhóc bốn tuổi với những cảm xúc đầy mong manh và nhạy cảm.

Hoàng Minh đang hỏi Vinh thì bất ngờ từ đâu chui ra một tên nhóc mập mạp với cái đầu trọc, hai tay chống nạnh, vừa hất hàm vừa bĩu môi:

“Eo ơi, Vinh ơi là Vinh, đừng có chơi với cái thằng yếu đuối trông như con gái này nhớ! Cậu mà chơi với nó là tớ bảo cả lớp hít le cậu đấy!”

“T... tớ không có!” Hoàng Minh dõng dạc hô lớn như thể cố gắng giải thích với cậu bạn tên Vinh nhưng kết quả mà cậu bé nhận được lại là sự xa lánh của bạn ấy. Cậu ta đẩy Minh ra xa, không nói lời nào rồi chạy ra chơi với tên nhóc mập mạp kia. Hoàng Minh đột nhiên hụt hẫng, cậu cảm thấy vừa tủi thân, vừa bất lực. Cậu ghét Việt Anh, tại sao Việt Anh lại nói về cậu như thế với Vinh? Cậu ta ỷ lại mẹ là cô giáo thì hay ho lắm sao? Rõ ràng trước đây Vinh rất thích cậu còn rủ cậu chơi chung nhưng tại sao chỉ vì lời hăm dọa của Việt Anh mà Vinh lại không chơi với cậu nữa? Hức, hai người bọn họ thật xấu! Cậu không muốn chơi cùng họ nữa đâu!

Ấy thế là cả một buổi sáng của bé Hoàng Minh bốn tuổi đã trải qua đầy não nề. Cậu nhóc chỉ biết buồn tiu nghỉu đi ngắm mấy chú chim ở ngoài cửa sổ đậu dưới sân trường, rồi lại ngân nga theo ca khúc “Cá vàng bơi” với một chất giọng đầy “cảm xúc” và “da diết”, nghe đến đau cả đầu: “Cá vàng bơi trong bể nước. Bơi lên, lặn xuống. Cá vàng múa tung tăng…”



Ẩn quảng cáo


Tuy nhiên, câu chuyện chỉ xảy ra đỉnh điểm vào giờ nghỉ trưa. Lúc ấy, cô giáo đã cho các bé ăn đầy đủ hết cả rồi, cũng đã trải xốp phủ kín cả không gian lớp học. Mấy đứa trẻ lít nhít cứ ríu ra ríu rít rủ nhau cùng đi lấy chăn gối của mình trong tủ riêng.

Hoàng Minh vẫn mơ hồ đem theo một tia hy vọng nhỏ nhoi rằng Vinh và cả tên đáng ghét Việt Anh dù thế nào thì cũng sẽ chơi cùng với cậu thôi. Cậu bé hí ha hí hửng cầm theo một nắm kẹo cà phê sữa bỏ vào trong túi áo. Hoàng Minh thầm nghĩ đợi đến khi nào cả ba đứa cùng nằm ngủ chung thì cậu sẽ chia cho mỗi người một ít. Chắc chắn là họ sẽ thích thôi vì kẹo ngon như này cơ mà!

Nhưng mọi mộng tưởng của Hoàng Minh cuối cùng đều đã bị dập tắt. Đúng là lúc đầu Vinh và Việt Anh khi nhận được kẹo của cậu thì vui vẻ ra mặt, còn nói sẽ cho cậu chơi chung, làm bạn tốt của nhau. Nhưng ai mà biết được Việt Anh lại là một kẻ lật mặt nhanh đến như thế. Còn chưa đủ được năm phút, cậu ta đã xấu tính nói rằng đây là kẹo của cậu ta, cậu ta mắc mớ gì phải chơi chung với Hoàng Minh cơ chứ. Một lần nữa, Việt Anh cùng Vinh lại cô lập cậu nhóc. Hoàng Minh lần này không còn cố gắng giải thích gì thêm, cậu bé cảm thấy vô cùng tức giận:

"Đồ lừa gạt, đây là kẹo của tớ. Nếu đã không chơi với tớ thì trả đây!"

Hai bên giằng co một lúc lâu, sau đó Việt Anh bực tức phun nước bọt vào mặt Hoàng Minh, đỏ mặt gay gắt nói:

"Hứ, có mà thèm. Này trả! Đồ đàn bà!"

Hoàng Minh cảm thấy ngỡ ngàng tột độ. Cậu hiện tại vô cùng tức giận. Việt Anh cậu ta vừa làm cái gì thế này? Cậu ta dám phun nước bọt vào mặt cậu sao? Thật kinh tởm! Hoàng Minh vội vàng chạy ra lấy khăn giấy lau lau, lau đến đỏ rát cả một vùng của khuôn mặt trắng búng ra sữa. Bố mẹ đã dạy cậu rằng hành vi nói chuyện mà bắn nước bọt là rất xấu, đây đằng này Việt Anh còn dám phun nước bọt vào mặt của cậu. Hoàng Minh siết chặt cái khăn giấy trong tay, cậu thề cậu nhất định phải mách cô giáo!

Quân tử nghĩ là làm. Ngay sau khi giờ ngủ trưa kết thúc, cả lớp đã ngồi ngay ngắn thành bốn hàng, Hoàng Minh lúc này mới chạy ra báo cáo với mẹ Nhung cũng là mẹ của tên mập Việt Anh. Sau khi nghe bé Minh trình bày, mẹ Nhung liền gọi Việt Anh ra và hỏi chuyện. Sau khi xác nhận được những lời Hoàng Minh nói là hoàn toàn chính xác, mẹ Nhung đã cầm thước kẻ đánh liền ba cái vào tay của Việt Anh rồi nói cậu mau xin lỗi Hoàng Minh. Nhóc mập đau đớn vừa khóc nức nở vừa kêu la xin lỗi om sòm:

"Hu hu, con xin lỗi mẹ. Tớ xin lỗi cậu. Mẹ ơi, đừng đánh con nữa mà, đau quá mẹ ơi, hu hu..."

"Khoanh hai tay vào xin lỗi bạn nhanh lên!"

"Vâng ạ vâng ạ… hu hu…"

Việt Anh nấc lên từng tiếng, sau đó quay ra khoanh hai tay y như lời mẹ Nhung nói, cúi đầu thành khẩn xin lỗi:

"Hoàng Minh, x... xin lỗi cậu!"

"Xin lỗi đến khi nào bạn đồng ý thì thôi. Cả lớp nhớ nhé! Hành vi của bạn Việt Anh là rất xấu, cả lớp không được bắt chước bạn Việt Anh học thói xấu đâu đấy! Phải ngoan, phải đoàn kết với nhau, nhớ chưa?"

Đám trẻ nhìn một màn này đứa nào đứa nấy đều sợ hãi, run cầm cập mà vâng dạ một cái rõ to.

Còn Hoàng Minh thì lại cảm thấy hả dạ vô cùng. Cậu cuối cùng cũng xử lý được muộn phiền của ngày hôm nay rồi. Hoàng Minh đồng ý tha thứ cho Việt Anh nhưng cậu cũng tự quả quyết trong lòng rằng sẽ không bao giờ chơi với kẻ lừa gạt này một lần nào nữa.

Ẩn quảng cáo


Nên tóm lại thì mẫu giáo của Hoàng Minh trôi qua một cách đầy tẻ nhạt. Cậu chẳng có ai chơi thân cả vì cậu chẳng còn cảm giác tin tưởng hay hy vọng vào bất kì một ai. Vì bất cứ ai cũng đều có thể làm tổn thương cậu như cách mà Việt Anh đã làm. Có chăng thì trong những tiết sinh hoạt thì Hoàng Minh sẽ ghé chơi với từng nhóm mà thôi.



Hoàng Minh sáu tuổi.

Lúc này, cậu bé đã bước vào lớp một. Tuy nhiên, sự kiện xảy ra ở mẫu giáo đã để lại một ấn tượng quá mức sâu đậm với Hoàng Minh nên từ đó cậu trở nên thu mình và rất ít khi nói chuyện với bạn bè cùng trang lứa. Chính vì điều ấy mà cậu đã gặp khó khăn trong việc giao tiếp với mọi người.

Cậu trở nên vội vàng, lúng túng, cảm thấy mặt nóng bừng và khó thở giống như có cái gì chặn ngang cổ họng không thể nào thoát ra được mỗi khi trả lời câu hỏi của mọi người. Cứ mỗi lần cậu định trả lời thì lại bị nói ngọng, không thì cũng là nói lắp. Mọi người trong lớp thấy vậy thì lại lấy ra đó làm trò đùa để trêu chọc cậu. Lúc đầu, Hoàng Minh chỉ biết cúi gằm mặt vì xấu hổ, lâu dần cậu trở nên tự ti vì điều này. Vì thế, Hoàng Minh đã chính thức mắc chứng bệnh khó giao tiếp.

Nhiều lúc cậu đã không thể chịu được mà bật khóc, cậu cũng muốn được nói chuyện, được trao đổi với bạn bè. Nhưng tại sao cơ chứ? Tại sao cậu lại không thể nói được dù chỉ là một câu? Hoàng Minh cũng có kể cho bố mẹ về vấn đề này. Bố mẹ cậu liền bảo cậu luyện nói trước gương nhiều là được. Cậu nghe vậy nên cũng tự tập tành đứng trước gương nói. Cậu nói trước gương thì rất lưu loát nhưng thực tế lại vô cùng tàn nhẫn. Một lần nữa, rồi lần nữa, lần tiếp theo nữa, cậu vẫn chẳng thể nào nói chuyện với bạn bè. Các bạn cũng vì thế mà dần xa lánh cậu hay nói đúng hơn là Hoàng Minh đang tự cách xa, tự cô lập bản thân mình với mọi người.

Cấp một trôi qua và cậu cũng chẳng có một người bạn nào cả, dù cậu rất mong muốn và ao ước về nó.

Cậu bé sáu tuổi lúc ấy đã rơi vào trạng thái bế tắc tột cùng.



Hoàng Minh bước vào cấp hai. Lúc này, cậu đã cao thêm một chút, giọng nói cũng đã bắt đầu có sự biến chuyển và trở nên khàn hơn. Nhưng được cái da cậu rất tốt, không hề lên một chút mụn nào như những bạn bè cùng trang lứa trong tuổi dậy thì.

Tuy nhiên, chứng bệnh khó giao tiếp kia của cậu thì vẫn còn. Mặc dù, Hoàng Minh đã nói chuyện được chút ít nhưng cậu lúc nào cũng cảm thấy cô đơn và có một chút gì đấy tuyệt vọng. Cậu lao đầu vào học, cày ngày cày đêm chỉ mong sao nó có thể lấp đầy khoảng trống cho sự cô đơn. Tóc của cậu ngày một dài hơn, râu ở hai bên mép cũng đã bắt đầu mọc lên. Quần áo thì lôi thôi, bôi nhếch. Thực sự, Hoàng Minh của lúc đấy không hề quan tâm một chút nào đến vẻ bề ngoài hay sức khỏe của bản thân. Mà bố mẹ cậu thấy con mình học hành chăm chỉ nên cũng chẳng nói gì, chỉ cảm thấy rất tốt mà thôi. Vẻ bề ngoài của con như thế nào thì bố mẹ vẫn thấy đẹp, chưa kể đây là quãng thời gian mà con nên chú ý học hành thay vì chú ý nhiều hơn đến vẻ bề ngoài của bản thân. Cũng chính vì điều này, Hoàng Minh từ chia sẻ vấn đề với bố mẹ dần trở nên im lặng và thu mình hơn trước rất rất nhiều. Tự dưng, cậu cảm thấy nói với bố mẹ cũng chả giải quyết được vấn đề gì. Có một đoạn thời gian, bởi vì Hoàng Minh liên tục nhắc đến việc mình gặp khó khăn trong vấn đề giao tiếp và hy vọng bố mẹ có thể giúp đỡ mình phần nào. Đáng tiếc thay, đáp trả lại hy vọng to lớn của cậu lại là sự cộc cằn và những câu chửi thô lỗ của bố:

"Mày có bị ngu không? Bị thiểu năng không? Có mỗi cái việc nói chuyện bình thường thôi cũng không làm được thì tự thấy mình bị bại não đi! Mày cũng mười mấy tuổi đầu rồi, đâu còn nhỏ gì nữa đâu mà không tự xử lý được chuyện này. Thôi thôi, cút cho khuất mắt tao đi. Nhanh lên!”

Hoàng Minh lúc ấy cũng chỉ biết mím chặt môi mà cúi đầu xuống. Cậu cũng hiểu là bố đi làm rất vất vả, chắc chắn ông sẽ phải mệt nên việc tức giận với cậu là điều có thể hiểu được. Nhưng sao những câu như thế lại khiến lòng cậu quặn thắt đến vậy. Nó còn đau đớn hơn cả việc không có ai nói chuyện. Bởi vì người thân nhất là bố của cậu còn không muốn nói chuyện với cậu thì làm sao có thể có người muốn nói chuyện và làm bạn với cậu cơ chứ? Hoàng Minh giam mình trong căn phòng ngủ, một nơi mà cậu có thể tự xây nên đế chế bóng tối của bản thân, một nơi mà cậu có thể thỏa thích giãi bày những cảm xúc tiêu cực của mình mà không một ai có thể nhìn thấy và phán xét. Họ vẫn sẽ chỉ nhìn thấy ngoài ánh sáng rằng cậu là một đứa ít nói hay đúng là hơn mắc chứng khó giao tiếp mà thôi. Vậy là đủ rồi.

Hoàng Minh khóc, cậu mệt mỏi quá…

Báo cáo nội dung vi phạm
Ẩn quảng cáo

Nhận xét về Limerence: Thần Hồn Điên Đảo

Số ký tự: 0