Chương 26

Huyền Nhân Tĩnh Thủy 2539 từ 19:54 25/08/2021
22.

Nói đoạn thấy sóng nước dập dềnh, một con rồng xanh bay vút lên không trung, uốn mình rít lên một hơi dài căm tức, rồi nhìn lại xem ai đã gây họa diệt tộc, làm kinh động cả chốn nương thân.

Nhưng than ôi, nhác thấy bóng đại bàng, chính là thiên địch*, lại thấy nữ quỷ đang ngồi trên lưng đại bàng, rồng kinh hãi rụng rời, oai khí thần linh tan đâu mất cả, chẳng nói chẳng rằng uốn mình định chui lại xuống lòng sông…

(*Thiên địch: kẻ khắc mạng trong tự nhiên. Rồng là thức ăn khoái khẩu của loài Ca-lâu-la, bình thường mỗi Ca-lâu-la trưởng thành có thể ăn năm trăm rồng nhỏ, hơn mười rồng trưởng thành, về sau loài rồng sợ tuyệt diệt nên báo với Như Lai mới phân giải được, nên trước khi ăn chay các sư thường có nghi lễ cúng đại bàng là để nó ăn no rồi thì không ăn rồng nữa.)

Thế nhưng Ca-lâu-la đã thấy bóng nó, vậy là uốn mình một cái, vỗ cánh rầm rập, cuồng phong nổi lên điên cuồng, đoạn sà lại mà cắp lấy thân rồng. Rồng hoảng hồn phun ra ngụm nước lớn nhưng đại bàng lại đã thả lửa thần ra, nước kia chạm vào lửa thần liền nóng quá mà bay hơi hết, tạo thành một tầng mây mù giăng kín cả trời.

Phá xong nước đó, đại bàng Ca-lâu-la lại lao vào tiếp, rồi chỉ một chiêu, hai vuốt sắc đã quắp ngang thân rồng tha lên một khoảng không cao mà ném xuống trở lại, rồi uốn lượn xuống ngang nó, đoạn hít lấy một hơi dài mà phun ra một dòng lửa lớn kinh hoàng, lửa đó nuốt trọn lấy thân thần rồng, nó rên lên quằn quại đau đớn, rồi thân thể bốc cháy phừng phừng, lại lao đầu xuống dòng nước nhưng cứ hễ gần chạm vào mặt nước lại bị Ca-lâu-la bay lại cắp lên cao rồi lại thả xuống cho chết cháy, cứ thế đến vài bận thì xác rồng cháy ra tro tan cả ra thành muôn ngàn rắn nhỏ trùng độc rơi lả tả xuống sông, nhưng đại bàng cũng chẳng tha cho như thế liền đập cánh liên hồi mà nổi cuồng phong, cuồng phong ào đến thế các xác rắn trùng giòi bọ đang rớt xuống sông kia lập tức theo gió mà tan hết, hồn phách chẳng biết về nơi đâu. Cảnh vật thảm thiết thê lương, các vong ma còn sót lại thấy Tổ chết như thế đều đồng thanh gào lên đau đớn, con nào vừa gào lên liền bị đại bàng thiêu rụi ngay, chúng nó giẫm đạp nhau mà chạy nhưng không một con nào thoát khỏi ngọn lửa thần, tất cả đều hồn tan phách tán, cả thảy có đến nghìn con cùng chết một lúc, oán khí từ bọn ma da chết rồi tụ lên thành mây đen, cứ tụ lên đến đâu, đại bàng lại tung cánh gọi cuồng phong thổi tan đi hết.

Thật là,

Thủy vốn sinh khắc hỏa

Nhưng nào phải lửa thường

Lại thêm cuồng phong lạ

Hồn phách lạc muôn phương.

Chỉ trong một khắc con sông Hạc lâu nay hễ về đêm là thấy đen kịt, giờ đây đã trong hơn như thể ban ngày, các bụi cây lau sậy nơi trú ngụ cho rắn rết trùng độc hai bên sông phần nhiều đều đang dẫn lửa rực sáng, cảnh vật đã quang đãng ra chẳng còn âm u, nhưng chỉ hiềm một điều ngọn lửa bên bờ sông lan ngày càng rộng, dần thành đám cháy to.

Đại bàng giết được thần sông rồi vẫn chưa thôi, thích chí lại bay vút đi một khúc sông khác cách dó không xa, cứ bay đến đâu là phun lửa thiêu rụi đến đó, thoáng chốc cả mấy khúc sông đều bốc lửa phừng phừng cháy rực trời, đoạn bay tới khúc sông nọ cách cầu cỡ bốn mươi mét, thấy bỗng trong lùm cây phát ra ánh sáng chói đỏ rực rỡ rồi từ lùm cây bay lên một thần tướng mặt đỏ phừng phừng, thân mặc giáp tay cầm thanh long đao lớn, cưỡi lên trên con ngựa trắng, nguyên là thần binh núi Vu được Huyền Ân nuôi để bảo vệ giữ gìn cho sông, tên gọi Hoàng Liêu, thấy sông có động nên theo lệnh mà lên xem việc, thần có Thiên nhãn thông, nhìn quán sát thấy trên lưng Ca-lâu-la có bóng một nữ nhân mặc đồ trắng đang cưỡi nó, tay nữ nhân ấy cầm sợi xích trói cổ đại bàng Ca-lâu-la, liền đoán biết nó chính là nguồn cơn thao túng, thần nổi lửa giận bay vút lên không, đọan múa tít thanh đao mà lao đến…

Đại bàng phóng ra ngụm lửa lớn về phía thần nhưng từ đao phóng hào quang ra, lửa đó liền tan mất, nữ quỷ ngồi trên đại bàng thấy vậy liền rút cung, lắp tên nhắm bắn một phát, trúng ngay đao của thần, đao đó chạm vào mũi tên liền tan ngay lập tức, vậy là không có gì đỡ, lửa từ đại bàng phun ra đốt thần cháy phừng phừng, cả người cả ngựa bốc hỏa lao xuống mặt sông, nhưng đại bàng không thôi, lại đập cánh thật mạnh, cuồng phong nổi lên ào ào, hồn vía thần tan đi tứ tán, lá bùa đỏ và thanh kiếm đào cắm lên đều bốc cháy rừng rực.

Thật là,

Sí điểu nổi lửa sầu

Ngọc đá nát như nhau

Thần chịu như ma quỷ

Phách lạc về nơi đâu?

Đoạn giết thần xong, quỷ nữ mới ngẫm nghĩ…

Thân Phương rõ ràng có pháp khí, Dạ xoa và rắn Ma-hầu-la-già đến gần thân nó đều bị thứ ánh sáng từ ngực nó thiêu đốt, nhưng đại bàng này chẳng lại gần nó mà đánh từ xa, liệu có được chăng?

Nghĩ đoạn giật mạnh xích, đại bàng nhận được hiệu lệnh, quay ngược trở lại bay thẳng về hướng cầu nơi Phương đứng.

Lại nói lúc này Phương còn đang gục đầu mà khóc thương chị Hương đã tan đi, thì chợt cảm nhận được luồng sát khí cực mạnh bay thẳng tới thân, Phương giật mình kinh hãi ngước lên, thấy đại bàng đang bay lại, đoạn nó căng ngực phù mỏ lấy hơi, rồi thổi ra một hơi lửa cực dài cực mạnh, sợ là chưa đủ, nó còn đập cánh ào ào để tiếp thêm gió vào lửa, lửa đó mạnh như vũ bão, nhằm thẳng Phương mà lao…

…nhưng khi ngọn lửa lao đến gần Phương thì đột nhiên một ánh chớp lòe nơi ngực Phương xuất hiện, rồi ánh chớp đó nhằm hướng lửa ấy mà phóng ra, lao ra không trung hóa thành quầng lửa lớn dội thẳng vào quầng lửa của đại bàng… hai lửa chạm nhau long trời lở đất, rồi dần dần lửa kia đẩy ngược lửa của đại bàng trở lại nhanh chóng đã bén sát tới thân, đại bàng thấy nguy hiểm thì bay vút lên không mà tránh nhưng nào còn kịp nữa, ngọn lửa kia đã liếm vào thân vào cánh, đại bàng bốc cháy rừng rực rồi phút chốc tan đi chẳng còn thấy đâu nữa, nữ quỷ thấy nguy cũng vội vứt cả xích mà tan đi, để mặc đại bàng bị thiêu rụi.

Thật là,

Lửa quỷ thần tuy mạnh

Chẳng thắng lửa Phật bà

Quan âm cho pháp bảo

Mệnh trừng phạt yêu ma.

Lúc này mạch sông vắng tanh, không gió cũng chẳng sóng, bóng sông trong hơn, chỉ còn hai bên bờ sông lau sậy có những lửa nhỏ cháy âm ỉ râm ran, những con vong ma ngạ quỷ căn cơ lâu bền dưới sông này vẫn đang cháy lên ngùn ngụt mà than trời kêu đất trước ngọn lửa của kim sí điểu…

Phương ngồi bệt cả xuống đất kinh hoàng, vạch áo ngực ra xem thấy năm câu thần chú Bồ tát Quan Âm cho dạo nọ, nay chỉ còn hai chấm đang sáng vàng rực rỡ, ba chấm kia đã đen như than, rồi chúng rất nhanh đều lặn mất, trở về là da thịt bình thường, vậy là để giết được rắn xanh, Dạ xoa và Ca-lâu-la đã tan mất ba câu thần chú, liệu con nữ quỷ kia còn bao nhiêu thuộc hạ nữa đây?

Phương hồ nghi lo lắng không yên, chợt nghe từ xa tiếng người ầm ĩ, thì ra là người dân bên xóm Bắc đang chạy tới mà cứu hỏa, lúc này nhìn lại, hai bên bờ sông lửa cháy ngút trời, vong ma ngạ quỷ kêu gào đau đớn nhiều không kể xiết, vang vọng cả đất trời, Phương nhìn bọn chúng quằn quại như thế mà lòng cũng thầm bùi ngùi thương cảm…



Lại nói, hai giờ sáng, Thầy Đại Trí, thầy Nhất Nguyên và các thầy của chùa đều đã tụ tập ở nhà Hạ đông đủ, tất cả theo bố trí của Đại Trí mà thiết lập trận đồ đã xong xuôi, trận đồ tên gọi “A-la-hán toái”, bố trí gồm có mười sáu sư bố trí thành hai vòng, vòng thứ nhất bên trong, gồm có tám sư ngồi xếp bằng quanh một đàn tràng, cách sắp xếp đàn đó gồm ba bàn đều dài hai mét, cao một mét, bàn ở giữa lớn hơn rộng hai mét, hai bàn nhỏ hai bên rộng một mét hai mươi phân, trên ba bàn đều bày bàn thờ Quan âm Bồ tát, hương nhang đầy đủ, hoa quả ngũ cốc, cháo gạo, muối mỗi thứ một bát, đèn dầu nến, giấy vàng, hoa cúc vàng. Rồi trên mỗi bàn lại có cắm một đạo bùa, bùa đó giống với bùa đặt trên lưng tám sư, tay mỗi sư lại cầm một tràng hạt, cứ thế ngồi niệm câu chú A-la-hán thầy ban cho. Vòng thứ hai bên ngoài, cũng gồm tám sư, ngồi xếp thành hình bát giác tám cạnh ứng với tám hướng Đông, Đông Nam, Nam, Tây Nam, Tây, Tây Bắc, Bắc, Đông Bắc. Mỗi sư lại cũng lại ngồi như thế, đeo bùa, cầm tràng hạt và niệm chú, cứ vậy tạo thành một kết giới bao phủ quanh ngôi nhà, ngăn yêu ma không cho vào được, bên trong phòng nơi Hạ nằm là thầy Đại Trí, mẹ Hạ và đệ tử Nhất Nguyên, còn thầy Nhất Quang thì thầy truyền ở lại giữ chùa Thanh Trúc, sợ yêu ma lợi dụng chùa chẳng có người mà tới hoại thân tượng Phật.

Đến tầm hơn hai rưỡi đêm thì các vết đau nhức lan khắp thân, nội tạng hô hấp của Hạ đều đã rất yếu, rồi từ từ chìm vào trạng thái chết lâm sàng, không còn nhận biết được gì xung quanh, trong cơn mộng mị lúc sắp đi, Hạ thấy cơ thể nhẹ hẫng đi, rồi thân mình tựa như chim mà bay lượn lên không, khi vừa lên thì gặp ngay một quỷ, quỷ đó chính là Vô Tận Ý, chỉ là một bóng đen nhờ nhờ, đội mũ che kín đầu mặt.

Quỷ liền nói với Hạ:

“Kết giới nơi đây dày phủ, các quỷ La Sát và Tột Khốc đang chờ bên ngoài kết giới không vào được, duy chỉ có ta có Thần túc thông, lại có phép Vô niệm ý cùng hợp lại nên trong suy nghĩ của mày mà hiện ra, vào tới được nơi đây, giờ chết của mày sắp đến, như lẽ thường thì người gần chết đi mới thấy bọn ta nhưng mày có căn số nên thấy được sớm hơn, giờ theo ta ra ngoài rồi chúng ta đưa mày về Phủ*.”

(*Phủ: gọi tắt của âm phủ, là công đường nơi xét xử người chết trước khi cho xuống địa ngục hoặc là đi đầu thai.)

Hạ theo quỷ bay lên, nhìn thấy các thầy và mẹ đều đang vì mình tụng niệm luôn miệng, chẳng ai nhìn thấy sự việc, chỉ riêng có thầy Đại Trí là người Huyền nhân thì hình như cảm nhận được điều gì, cứ đưa mắt nhìn quanh khắp phòng, Hạ định gọi thầy nhưng không được, thế rồi hồn Hạ cứ vậy theo quỷ Vô Tận Ý bay ra khỏi kết giới, vừa ra khỏi thì thấy hai quỷ Tột Khốc, La Sát cùng hiện ra, Tột Khốc vung sợi xích Bồ lưu đen nhánh lên trỏ về Hạ định trói lấy cổ thì thấy La Sát cản lại, đoạn lại thôi, thu xích về mà cứ thế chầm chậm bay đi, thần thức Hạ cũng chẳng thèm cầu xin gì, lại chẳng hoảng loạn ngơ ngác như hồn người mới chết bình thường, mà trông vẫn rất điềm đạm ung dung như khi còn sống, cứ thế chầm chậm trôi theo ba bóng quỷ. Các quỷ thấy thế đều nể phục, cho là điều lạ, liền thôi không bắt trói, cứ vậy đi trước dẫn đường cho hồn Hạ theo…

Thế là Hạ mất…

Thật là,

Sống một đời kiêu ngạo

Mất ở tuổi thiếu niên

Bước chân vào hành đạo

Công phu tựa thánh hiền.

...

Đoạn thân xác tái đi, mũi chẳng còn thở, tim chẳng còn đập, thân dần giá lạnh từ ngực trở xuống, rồi cứ vậy lạnh đến hết tứ chi thì dần cứng lại.

Mẹ Hạ phát hiện ra đầu tiên, gào toáng cả lên rồi ngã lăn ra đất, các sư ở ngoài ai nấy xôn xao nhưng thầy Đại Trí trấn an ra lệnh ai ngồi yên chỗ đó, tiếp tục tụng niệm liên tục không nghỉ. Bản thân thầy Đại Trí vỗ về mẹ Hạ mà rằng:

“Đừng có hốt hoảng.”

Nói đoạn ngồi xuống mà tiếp tục tụng.

Mẹ Hạ không nghe cứ gào khóc chẳng yên, hai thầy dỗ sao cũng không nín, cứ ôm lấy xác con trai mà gào, tiếng gào khóc ai oán khắp cả nhà cả ngõ, hai sư không sao tụng được đành bỏ ra ngoài sân mà ngồi tụng, để mặc mẹ Hạ cứ ôm xác con trai mà khóc.

Rồi bỗng nhiên đang lúc bi ai, chợt một sư chạy vào giữa kết giới mà la lớn lên:

“Thầy ơi ở cầu Đen không biết ai phóng hỏa mà lửa cháy cả hai bên bờ sông, người dân mới ra dập lửa.”

Lúc này ngó ra thì thấy cả xóm làng đang huyên náo ầm ĩ, người người nhà nhà đều vác cuốc thuổng, người xách xô cát chạy, người lại mang nước theo, cứ thế ùn ùn đi ra chỗ bờ sông cứu hỏa, cảnh tượng hỗn loạn không tả được, các sư cũng đều dao động hoang mang. Thầy Đại Trí thấy ruột nóng như lửa, quay sang hỏi thầy Nhất Nguyên:

“Mấy giờ rồi?”

Nhất Nguyên đáp:

“Thưa thầy ba giờ kém mười lăm.”

Báo cáo nội dung vi phạm

Nhận xét về Huyền Nhân

Số ký tự: 0