Chương 5

Dương Hòa Dị Sự Phủ Đề Hồ 3010 từ 13:23 06/05/2023
Thấy trời đã tối, không có đò sang sông, sáu cấm quân quyết định đốt lửa bên bờ sông, nghỉ lại một đêm, sáng mai sẽ tìm người lái đò.

Chọn một chỗ đất khô ráo, bằng phẳng, Trình chưởng đội nhóm một đống lửa lớn. Mọi người lục tục tháo dỡ hành lý trên lưng ngựa, trải chiếu ra đất quanh đống lửa. Tử Hiến, Phạm Siêu phụ Hữu Dũng lấy gạo thổi cơm, nướng cá muối làm bữa tối. Nhân Cậy và Phan Vũ thì đi cho ngựa ăn.

Ai cũng tất bật, riêng mỗi Lê Quý là nhàn. Y ngồi trên chiếu tháo khẩu súng hỏa mai của mình ra lau chùi. Thời Lê có lệ binh khí trong quân phải bảo quản kỹ lưỡng, nếu các quan đi kiểm tra mà binh khí ở vệ đội nào han gỉ, không sáng bóng liền bị phạt đòn. Nên cho dù có lười, nhưng về khoảng hình ảnh thì Lê Quý rất chỉn chu. Y dự tính, ngày mai cẩm y vệ sẽ vào chỗ dân cư, khi đứng trước dân chúng thì binh khí, quần áo tuyệt không thể sai sót. Nghĩ vậy, sau khi ăn cơm xong, Quý ngồi nhai trầu, giám sát, nhắc nhở các binh sĩ trau chuốt quần áo, lau chùi binh khí lại một lượt.

Đang mùa hạ, thời tiết nóng bức, song, trại đặt gần bờ sông nên không khí về đêm có phần se lạnh. Sau giờ cơm, mọi người chưa ngủ ngay mà ngồi nhai trầu, tán gẫu. Lê Quý nằm hai mắt khép hờ, đầu kê lên tay nải, bên dưới là binh khí của y. Đám binh sĩ ngồi nói chuyện trên trời dưới đất, lâu lâu lại bỏ thêm củi vào đống lửa đã nhỏ đi ít nhiều.

Phan Vũ đem một cái nanh dài bằng ngón tay cái, bọc đồng phần chân, ra khoe với mọi người:

“Hôm trước qua Thanh Hoa, em tình cờ mua được cái nanh hổ các bác ạ!”

Nhân Cậy ngồi kế bên liền tiện tay giật lấy xem:

“Tao thấy nanh hổ rồi, cách đây mấy năm, cha tao từng đi rừng săn được con hổ lớn dâng cho bệ hạ. Cái này sao là lạ, mày mua ở đâu đấy?”

Phan Vũ nghe vậy thì gương mặt béo tròn hơi nhăn lại, giật lại cái nanh, nói:

“Mày thì biết cái gì mà hổ với báo. Cái này tao mua mất năm lạng bạc đấy. Thằng cha lái buôn người Ngô (1) còn cam kết trên mồ mả tổ tông nhà nó là hàng thật, có thể tiêu độc, trừ tà, tai qua nạn khỏi!”

Nhân Cậy cười ha hả nói:

“Thế nó có nói đao thương bất nhập, tên đạn bất xâm không?!”

Biết Cậy chọc ghẹo Vũ Béo không thèm nói với y nữa. Phạm Siêu nhìn vào cũng cảm giác cái nanh này hơi nhỏ so với nanh hổ. Nhưng nghe Vũ Béo mất năm lạng bạc để mua thì cũng ngại nói, lỡ y biết bị lừa thật thì mất mặt. Tuy nhiên, Lý Tử Hiến lại không phải người có cái tâm tư tế nhị đó. Y chờm người lại gần Phan Vũ xem xét rồi rất nhanh liền phán:

“Nanh hổ thì ta từng thấy rồi. Mấy tay đô vật có tiếng bình thường cũng hay đeo. Có đợt sới vật còn dùng nanh hổ làm phần thưởng. Cái này nhìn hơi khác, chắc hàng mả rồi!”

Vũ Béo nghe thế thì càng bất mãn, nhìn hai người Cậy và Hiến như lũ nhà quê không biết thế nào là đồ quý. Thời này trong rừng có nhiều hổ, có con lớn đến năm trăm cân từng vào các bản làng bắt gia súc, người dân ăn thịt, gieo rắc kinh hãi khắp vùng. Thợ săn muốn đi bắt hổ phải đi đám đông hơn mười người, băng rừng nhiều ngày, phát hiện dấu vết thì cẩn thận đặt bẫy mai phục, tránh chạm trán trực tiếp. Loài này danh là chúa tể sơn lâm, trên rừng khó có loài nào địch lại.

Trước đây có thợ săn dùng cung, nỏ, phi lao đánh trực tiếp với hổ, dù có bản lĩnh cao cường đến mấy thì sau hai mũi tên bắn đi, nếu không trúng vào đầu, mắt, thì hổ liền đến ngay trước mặt. Chỉ một cú tát từ bộ móng vuốt sắc bén liền có thể tiễn người ta xuống âm phủ, lực đạo sợ là chỉ thua mỗi loài gấu. Còn cú táp của hổ thì có thể xem là đệ nhất, chỉ một phát cắn có thể xé bay đầu người.

Thợ săn biết uy của chúa sơn lâm nên thường đặt các loại bẫy chùa (2), bẫy dây mai phục, âm thầm đào hố nằm đợi. Vì hổ có cái linh tính rất nhạy nên dù nhiều giờ hay nhiều ngày trôi qua thợ săn cũng sẽ không rời khỏi hố. Chờ đến khi phát hiện ra hổ trúng bẫy thì mới ra hiệu cho nhau đồng loạt tấn công.

Song, cũng có nhiều vụ hổ trúng bẫy, chân bị trói nhưng vẫn hung tàn chống trả. Sức sống của chúa sơn lâm rất mãnh liệt, năm bảy mũi tên găm vào người cũng chưa chắc bị hạ. Về sau có hỏa khí, thợ săn cũng ráng đút lót cho quan binh mà mua một khẩu. Súng đạn uy lực gặp hổ liền có tác dụng lớn, nhưng tốc độ nạp đạn chậm nên đòi hỏi tay súng điêu luyện, bắn trúng chỗ hiểm như đầu, tim, phổi, nếu không vẫn sẽ rơi vào cuộc giao tranh sống chết. Việc săn hổ cực khổ, nguy hiểm trăm bề nên giá thành không hề rẻ, bất kỳ bộ phận nào trên người hổ đều được tính bằng bạc để trao đổi.

Dù vậy nhưng cái giá năm lượng bạc Vũ Béo trả cho tay buôn người Tàu vẫn là có chút hố. Người Ngô sang nước Nam buôn bán có không ít kẻ xảo trá, mà dân chúng Đại Việt lại lắm người thật thà, trọng tín, thành ra chuyện lừa lọc như này cũng thường gặp.

Lúc này, Trình Hữu Dũng mượn chiếc nanh trên tay Vũ Béo, cầm lên soi xét. Ông nhìn kỹ thì kích thước chiếc nanh to như nanh con hổ mới lớn, nhưng hình dạng thì đúng là có chút khác biệt. Nghĩ không ra, ông cầm qua hỏi Lê Phó Vệ.

Lê Quý nãy giờ cũng nằm nghe cuộc bàn tán của thuộc hạ. Hắn mở mắt nhìn một cái liền nhận ra, nói:

“Nanh sói xám!”

Cả bọn nghe thì tròn mắt. Lê Quý lại hờ hững nói tiếp:

“Mà nanh dài gần bằng nanh hổ thế này thì con sói cũng phải to lớn hiếm thấy.”

Ẩn quảng cáo


Trình chưởng đội nghe xong cũng gật gù. Lúc này ông mới nhớ ra đây đích thị là nanh loài sói xám. Ông nói:

“To như này hẳn là con đầu đàn. Nhưng nanh sói thì cũng chỉ hơn nanh chó thôi, chẳng thể bằng nanh hổ được.”

Ba người Phạm Siêu, Tử Hiến và Nhân Cậy cười phá lên chọc quê Phan Vũ vừa bị một cú lừa. Sau màn nghịch ngợm ở trạm gác hồi chiều, cả ba bỗng chốc trở thành bằng hữu chí cốt. Trình chưởng đội chẳng nói gì chỉ mỉm cười ngồi lau chùi vũ khí. Lê Quý thì đã quay qua ngủ mất.

Sau chuyện chiếc nanh sói, Phạm Siêu và Tử Hiến lại có cái nhìn mới về Lê Quý. Hai người không ngờ vị Phó Vệ úy lười nhác này lại chỉ cần nhìn một cái liền có thể nhận ra. Một là y hay tiếp xúc với chó sói, điều này thì ít có khả năng do nhà Lê Quý ở đồng bằng. Hai là y khá uyên bác, điều này thì lại khiến hai người phân vân.

Chừng hai khắc sau tất cả chia phiên gác đêm rồi đi ngủ. Vũ Béo nhận lượt gác đầu tiên. Tuy cậu giận tím mặt vì bị tên lái buôn người Ngô lừa, nhưng vì tiếc năm lượng bạc nên cũng không nỡ vứt cái nanh sói đi mà giữ bên người.

Cuối giờ sửu, Phạm Siêu vào đánh thức Nhân Cậy để thay phiên gác. Nhân Cậy vừa ngồi dậy thì chợt từ phía dòng Loan Giang phát lên tiếng người la hét, tiếng mái chèo vội vàng khua nước, rồi tiếp đó là âm thanh như có vật gì bị ném xuống sông. Khoảng cách xa, âm thanh không lớn lắm nhưng vẫn thu hút sự chú ý của hai người. Cả hai mò ra sát bờ sông nhìn qua. Nhưng trời đất tối đen, ánh trăng lúc mờ lúc tỏ không thể soi sáng, hai người Siêu, Cậy căng mắt nhìn mà cũng chẳng thấy gì.

Mới đầu chỉ có một tràn âm thanh hỗn độn, nhưng về sau càng lúc càng nhiều tiếng vật gì đó bị ném xuống sông, tiếng nước nổ lên vang rộn. Rồi cũng rất nhanh, mọi thứ lại im bặt như trước.

Phạm Siêu và Nhân Cậy đang đứng lắng nghe thì có ai đó từ sau lưng bước đến vỗ vào vai hai người. Hai binh sĩ giật thót, quay lại thì nhận ra Hữu Dũng. Âm thanh nọ đã đánh thức Trình chưởng đội, nhưng chưa đủ lớn để phá giấc ngủ của ba tên béo.

Trình chưởng đội nhìn ra sông rồi nói với hai người:

“Coi chừng là ma da nhảy sông đó, thôi vô đi không nó kéo chân bây giờ!”

Ba người trở vào mà không hề hay biết vừa rồi có nửa thân người thối rữa đang trôi lềnh bềnh trên mặt nước cách đó không xa.

Mùng bốn tháng năm, năm Dương Hòa thứ chín, 1643. Sáng nay tiết trời khô ráo. Trình Hữu Dũng là người trực phiên gác cuối, thấy trời sáng ông cũng không ngủ lại mà lấy gạo nấu cơm, chuẩn bị bữa sáng. Mọi người ra sông rửa mặt nhưng chẳng thấy gì bất thường, mặt nước vẫn lăn tăn gợn sóng, lau sậy vẫn rì rào lay lắt.

Cơm sáng xong xuôi, đội cấm quân lên ngựa chạy lên thêm một đoạn thì thấy cù lao Tùng đã hiện ra trong tầm mắt. Ven sông có một ngôi nhà tranh vách đất. Nhìn vào cái ghe dài hơn một trượng neo dưới sông, Lê Quý lệnh cho Hữu Dũng vào nhà hỏi thuê đò qua cù lao.

Hữu Dũng đến trước nhà hỏi thăm. Một lát sau ông quay lại cùng một thanh niên tuổi độ mười bảy, mười tám, gương mặt phảng phất nét chất phác. Người nọ thấy Lê Quý ngồi trên ngựa, mình vận quan phục thì liền quỳ xuống, chắp tay chào. Quý liền gạt tay kêu cậu thanh niên đứng dậy, rồi hỏi về việc thuê đò qua sông.

Cậu thanh niên đứng dậy, chắp tay nói:

“Bẩm quan, con tên là Đỗ Bạ, thầy con là ngư phủ ở sông nì. Ngoài việc chài lưới thì thường ngày cũng kiêm luôn nghề đưa đò sang cù lao.”

Lê Quý hỏi:

“Cách nay chừng năm ngày bố con nhà người có đưa ba quan thị vệ qua làng Tùng phải không?”

Văn Cao suy nghĩ chút nói lại:

“Thưa, hình như là có. Nhưng từ bữa nớ đến ni bên cù lao nhiều sự ồn ào lắm ạ!”

Lê Quý hơi châu mày nói:

“Có chuyện gì cứ nói.”

Nghe lệnh, thanh niên họ Đỗ liền thật thà kể lại:

Ẩn quảng cáo


“Bẩm quan, sau khi ba ngài thị vệ qua sông được hai ngày thì buổi trưa hôm mùng một cả làng Tùng tự dưng náo loạn cả lên. Ở bên ni vẫn có thể nghe thấy âm thanh la hét. Một chốc sau thấy vài toán người, chủ yếu là phụ nữ, trẻ con, dắt díu nhau ra bờ sông tìm cách vượt sang. Một số thì tìm được thuyền bè chèo đi, một số lội luôn xuống nước. Thầy con thấy vậy liền chèo đò sang cứu lên. Một số đàn ông ở lại trên bờ đánh nhau với một đám đông dân làng.

Đứng trên bờ này khá xa, con nhìn không rõ mấy, nhưng thầy con đưa mấy người bỏ chạy về bờ nghe kể lại rằng người làng Tùng cắn xé, giết chóc lẫn nhau. Đám phụ nữ, trẻ nhỏ đó tuy vô cùng kinh hãi nhưng cũng không nán lại mà đi gấp lên huyện nha Quảng Trạch trình báo.

Sáng hôm sau có một vị huyện úy (3) dẫn theo mười nha lại mang binh khí sang làng Tùng. Đến canh tư đêm qua lại thấy một đám người chạy ra sông bỏ trốn, nhưng hình như đã bị bắt lại nên không thấy ai thoát được. Thầy con có chèo đò ra giữa dòng ứng cứu nhưng lại bị người ta đánh chảy máu ở tay, sáng nay thì phát sốt nằm liệt giường.”

Đỗ Bạ vừa dứt lời, Lý Tử Hiến liền buộc miệng nói:

“Người chứ phải chó đâu mà cắn nhau! Nhưng người cùng làng phải có hiềm khích gì lớn lắm mới đến nổi đánh giết nhau!”

Lê Quý thấy chuyện này có chút cổ quái, một đám dân làng xích mích đánh nhau cũng không phải chuyện gì hiếm gặp, nhưng khi quan quân đến thường sẽ bình định được ngay. Điều lạ là theo lời thanh niên họ Đỗ thì viên huyện úy dẫn nha lại sang đã một ngày mà đêm qua, ở bờ sông vẫn có tình trạng người dân bỏ trốn. Chợt trong đầu Lê Phó vệ lóe lên một suy nghĩ: “Hay làng Tùng tạo phản, trở cờ theo giặc, bắt đám người huyện úy rồi!”.

Nghĩ đoạn, Lê Quý mới quay sang bàn bạc với thuộc cấp. Hữu Dũng nghe xong liền nói ngay:

“Sáng nay thuộc hạ bốc quẻ thấy có một xu rơi xuống chiếu, kẹt lại dựng đứng, không ngã âm, cũng chẳng về dương. Chuyện này cổ quái thiết nghĩ ta nên cẩn trọng, quay về báo cáo.”

Phạm Siêu bác ngay:

“Chưa lâm trận đã lui thì hèn quá!”

Tử Hiến và Nhân Cậy cũng tán thành. Hai người cậy khỏe, gươm sắc, giáo nhọn không xem đám dân làng vào mắt. Cuối cùng Phan Vũ cho ý kiến:

“Em thấy ta có thể sang cù lao, bảo đò neo đợi rồi tiến lên âm thầm xem xét. Có chuyện liền rút ngay!”

Lê Quý cũng đã có ý này, nhưng dù sao thấy mọi chuyện mờ mịt nên chưa quyết vội. Y nhìn qua phía cù lao, thấy không có động tĩnh gì liền quyết định thực hiện kế của Vũ Béo. Sáu Cẩm Y vệ xuống ngựa, mang theo binh khí, tay nải, thuê cậu thanh niên chèo đò đưa sang cù lao.

Chiếc bè trúc trôi chầm chậm trên mặt nước. Cù lao Tùng ngày một gần. Cù lao này rộng chừng hai mẫu (4), dân cư không quá ba trăm, sống tập trung giữa cù lao và dưới chân đồi Đồng. Chùa Kim Khánh tọa lạc nơi đỉnh đồi này.

Nghe nói, mấy trăm năm trước, trong số những người đầu tiên khai khẩn lập trại trên cù lao có một ông lão họ Trần thường chống một cây gậy đẽo từ thân cây tùng. Càng về tuổi xế chiều ông càng đãng trí, thường nhớ nhớ, quên quên. Một hôm sau ông già họ Trần ra giữa làng ngồi chè nước, tán gẫu với mấy lão hữu, đãng trí chống cây gậy xuống đất rồi ra về. Sáng hôm sau người ta thấy cây tùng bén rễ, sống lại. Cho là điểm lành mọi người để nguyên cho nó tự phát triển. Mấy trăm bận xuân thu trôi qua, ngày nay có một cây tùng cao lớn mọc sừng sững giữa cù lao. Cây cổ thụ mấy trăm năm tuổi này chính là lý do nơi này có cái tên “làng Tùng”.

Rất nhanh, đò đã cập bến. Trên bờ vắng tanh, không một bóng người. Từ nơi bến đò đến cổng làng là một quãng đường gần hai trăm bộ toàn cát trắng. Rải rác khắp nơi là những thứ vũ khí thô sơ như cuốc, cào, dao, rựa, quần áo rách rưới, đồ đạc linh tinh bên cạnh những vũng máu khô, thấm vào trong cát. Cảnh tượng tan hoang như vừa có một cuộc giao tranh ác liệt.

Đám Cẩm Y vệ lên bờ không quên căn dặn Đỗ Bạ neo đò lại đợi. Lê Quý ôm súng dẫn đội tiến lên xem xét tình hình ở bờ sông. Cảnh tượng trước mắt khiến Quý tin tưởng hơn vào phán đoán dân làng Tùng tạo phản. Nhưng để cho chắc chắn, y cử Phạm Siêu, tay chân nhanh nhẹn, chạy về phía cổng làng xem xét, nếu có vấn đề liền ra hiệu, cả đội sẽ ngay lập tức lên đò rút lui.

Phạm Siêu lén lút áp sát cổng làng, nhưng rất nhanh đã quay lại thông báo cổng làng không đóng, cũng không có người dân hay lính canh gì cả. Lê Quý lại càng thấy khó hiểu, nếu người làng tạo phản thì nên canh phòng cẩn mật mới đúng. Y quyết định dẫn đám Cẩm Y vệ tiến vào làng.

Chú Thích

1. Ngô ở đây chỉ Trung Quốc.

2. Bẫy chùa là dựng một cái lồng lớn, đặt mồi nhử. Hổ vào thì cửa sập xuống nhốt con vật. Bẫy dây là các loại bẫy dùng dây thắt thòng lọng đặt trên đất, phủ lá ngụy trang. Hổ đẵm phải sẽ bị trói chân không thể tự do di chuyển.

3. Huyện úy - chức quan võ coi việc binh của một huyện, trật chánh thất phẩm.

4. 1 Mẫu = 3600m2

Báo cáo nội dung vi phạm
Ẩn quảng cáo

Nhận xét về Dương Hòa Dị Sự

Số ký tự: 0