Chương 9: Chuyện về quả hồng xiêm ở Hiểu Yên

Đạo Sử? Ta Không Phục Khổ Qua 5187 từ 23:12 20/04/2024
Một ngày quế nguyệt (1) đầy gió.

Đã ba hôm kể từ “buổi khải hoàn” của họ Lâm, cung Vân Du sau khi tiễn đi vị khách cuối cùng đó thì luôn kín cổng, chủ cung bệnh vặt suốt mấy hôm liền.

Cửa sổ khép hờ, lúc nào cũng chỉ biết nằm dài trên bàn trông cây, trông lá. Không đến trường thì ra lại là cảm giác nhàn rỗi đến phát điên, mỗi ngày đều có từng đợt lá rụng dưới cái gió man mát của mùa thu. Nắng thu rực vàng rọi vào chói cả mắt, lại mang theo cơn gió nhẹ khẽ len lỏi từng sợi tóc dài đen óng. Hồn như vô định, trong tâm chất chứa muộn phiền đến sầu não, nhất định là do gió thu giục giã. Hôm đấy dám chừng thiếu chút nữa Lưu Trạch Dương đã có thể giết tôi, như cái cách y bức chết Lâm Bửu sau này. Nhưng cớ sao không cảm nhận được dã tâm giết chóc, duy chỉ là đang tức giận vì cái chết của gia đình bách tính vô tội. Con người này rốt cuộc là độc tâm hay chỉ là nhẫn tâm?

Phủ Hiểu Yên đáng thương, đã có bao nhiêu hộ bị bức đến sinh bệnh cũng chẳng còn tiền chạy chữa. Gã quan tri họ La thu hoành đầu (2) ngang tiền sưu bị khép tội trộm cướp, cách chức rồi đánh trượng phạt lưu đày. Dẫu triều đình ban lệnh hoàn trả phần lớn hoành đầu thu vượt cho dân chúng, nhưng Hiểu Yên mịt mù bởi sắc ảm đạm bấy lâu, khó mà vực dậy nổi.

Theo chỉ dụ được ban, lệnh cho quan nội hầu Lưu Tùng dẫn quân chi viện Hiểu Yên. Biết tin, tôi cho rằng là cơ hội, liền lập tức đến gặp Thái hậu hòng xin người cho phép cùng đi. Hồi đầu bà cương quyết từ chối, sau những gì tôi đã làm bà chỉ giam lỏng chứ không diệt trừ là phước ba đời, nào dễ cho tôi xuất cung. Chẳng ngờ sau đấy Lưu Trạch Dương đến, nói giúp tôi một câu, bà liền đồng ý.

***

Ngoài xuất quốc khố ban gạo, triều đình còn cho nhiều y sinh của thái y viện theo chân. Quãng đường từ kinh thành đến Hiểu Yên xem chừng rất xa, dễ chừng tận mấy ngày đêm, bởi Tĩnh Hảo đã mang đến cả rương y phục.

“Thật may là chị Nghi cũng đi.”

Tôi đương bâng quơ thả hồn vào phố sá kinh kỳ qua cửa sổ nhỏ của cái kiệu gập nghềnh, chợt nghe Tĩnh Hảo bắt chuyện thì tà tà buông rèm che: “Sao lại thế?”

“Em xin anh Tùng được cùng đi góp chút sức mọn, nhưng đoạn lại lo vì cả đoàn chỉ toàn binh lính, trai tráng cả.” – Hiểu Yên là thang mộc ấp mà Lâm Bửu ban cho em ấy, nhưng Tĩnh Hảo nhỏ như thế sao có thể mưu toán giả dối. Tôi tin em là nghe chuyện xảy ra ở đấy mà thương xót, mà đau lòng. Có điều bệnh tình Hiểu Yên ra sao chẳng ai rõ, Lưu Tùng lại để phu nhân nhỏ tuổi của mình đi thì có chút không chu đáo rồi.

Được nửa ngày đường thì Tĩnh Hảo mặt mày tái xanh, chúng tôi đều có chút say kiệu. Nhưng những con người bên ngoài đầu trần đội nắng, da thịt đón sương ắt phải mệt mỏi đến dường nào. Mãi đến khi bắt gặp một tán cổ thụ rộng khắp, che chở một khoảng cỏ xanh rì trở nên xám xịt. Tùng mới ra lệnh dừng, bấy giờ liền vén rèm đón phu nhân mình xuống kiệu.

Được hít khí trời thoáng đảng, ngồi dựa vào vai chồng mình mà chợp mắt, sắc mặt Tĩnh Hảo mới khá hơn. Các y sinh không chịu nổi cái khắc nghiệt ngã ngớn dựa vào nhau mà nhắm tịt cả mắt. Tôi nhặt mấy tán lá dừa khô của cái cây được đốn nằm gọn một góc, cẩn thận bện lại thành chiếc quạt đưa cho Tĩnh Hảo: “Em lấy cái này mà dùng, lá tươi sẽ mát hơn nhưng chị không hái được.”

Tùng giật lấy phẩy phẩy vài cái, gật gù bễu môi rồi mới trả cho Tĩnh Hảo: “Mát thật.”

Nghe thấy, các y sinh lẫn binh lính lấy làm hiếu kỳ, quây lấy Tĩnh Hảo. Kẻ nào kẻ nấy mồ hôi nhễ nhại đầm đìa, mặt mày đỏ quạch như than cháy. Trông mới biết ông cha ta khổ cực dường nào, biết bao nhiêu trận chiến đối diện thiên tai, hay khói lửa đều vững lòng tiến bước giành lấy độc lập tự tôn cho dân tộc. Chút nắng nóng này là cái tôi phải đối diện để đạt được mục đích nhất thời, nhưng với binh lính là điều mà họ phải gắng dung hòa.

“Các anh ra kia nhặt lá, tôi sẽ làm cho.”

Hết thảy đều vui vẻ hẳn, dẫu quạt lá dừa không đủ mát, nhưng chí ít vực dậy được chút tâm trạng của họ. Không riêng người nhận, kẻ cho như tôi sau những chiếc quạt bện thành, đều nhận được nụ cười cảm ơn quý giá. Riêng có hai con người như đang phá hoại cũng nhất quyết tự làm. Một Lưu Tùng cao ngạo giật lấy quạt của Tĩnh Hảo mà ngâm cứu, một còn lại là kẻ y sinh mày sắc như võ tướng đang hì hụi bện đến như quên cả cái nắng.

Tôi từ tốn đi đến, hỏi: “Anh có cần tôi giúp không?”

Anh ta vội vã hơn: “Khoan… chưa, cái này tôi có thể tự làm.”

Dám chừng cái tôi còn cao hơn cả Lưu Tùng, tôi vô thức nhìn cả hai như chờ đợi kết quả cuộc chiến. Tĩnh Hảo nhìn sang, thấy vậy liền hỉnh cằm khiêu khích, em ấy hiểu ý vội đốc thúc chồng mình. Y sinh vốn khéo, Tùng lại là kẻ chẳng tỉ mỉ, tôi cho rằng phần thắng nằm ở đây. Tùng bện đến rối không khác mấy tơ vò, thỉnh thoảng lại đến nhặt lá khác sẵn ném sang mấy phần thái độ. Dạo trước trận lia đá vẫn chưa phục thù, có lẽ y cho rằng lần này chính là cơ hội. Tôi trông hai vợ chồng Tùng căng thẳng mà bật cười thành tiếng, vô tình động vào sự chú ý của người y sinh đang loay hoay đằng dưới. Anh ta ngước lên nhìn, tôi cảm nhận thấy mà đáp mắt sang.

Gương mặt này, thật sự có một thoáng quen thuộc, trông có vẻ sẽ dữ tợn nhưng lại rất dịu dàng. Tôi chăm chú chẳng nhận ra mình đang vô ý, còn y liền tránh ánh nhìn của tôi mà trở lại bện quạt. Tôi ngồi ngay bên cạnh, ngửa cổ hỏi: “Anh tên là gì?”

Y giật thót đặt mớ lá dừa khô trên tay xuống, kính cẩn quỳ: “Bẩm công chúa, hạ thần theo giáo thụ từ nhỏ hành y cứu người. Được giáo thụ ban cho danh Du Nhiên, cả thái y viện đều gọi như thế.”

“Du nhiên. Anh chỉ cần nói cái tên là được rồi.” – Biết được tên thì lại chưa từng nghe qua, trông vẻ ngoài độ chừng ba mươi của y lại nhiệt huyết làm một thứ đồ đến quên cả mục đích làm ra nó, cũng thật buồn cười. – “Tôi nói này Du nhiên, nếu anh còn không mau chóng làm quạt thì chúng ta sẽ thua mất.”

Y ngơ ngác nhìn lên, tôi hất cằm sang phía Lưu Tùng - kẻ đương căng đến gân xanh nổi gồ, Tĩnh Hảo lại vừa quạt vừa chấm mồ hôi nhễ nhại.

“Công chúa cứ để hạ thần.” – Nhiên bật ngồi dậy, tay liếng thoắng bện mấy hồi đã ra dáng. Bấy giờ tôi mới nhận ra, thật sự cách mà y bện rất tỉ mỉ, khít đến độ tia nắng chẳng thể lọt qua. Không phải y không làm được, mà chỉ là đang cố tạo ra một phiên bản hoàn hảo nhất.

Chẳng mất quá nhiều thời gian, Nhiên đã xong thành phẩm. Tôi vui mừng đón lấy chạy sang chổ Lưu Tùng, phẩy nhẹ trêu: “Thong thả, thong thả thôi.”

Giữa cái nóng của mặt trời đỉnh điểm, lại hì hục cả buổi mà chẳng thể phục thù. Tùng quắc mắt nhìn tôi, mặt bị cháy nắng đỏ ửng: “Sang đây làm gì? Tôi có bảo là thi đâu.”

“Cái của chị đẹp thật.” – Tĩnh Hảo dẫu bại vẫn công bằng mà đánh giá.

Nhiên cầm theo mấy chiếc lá nữa đi đến: “Cho thần mượn lại một lát được không?”

Y cẩn thận bện một vòng ngoài, chiếc lá khô trong tay y như dải lụa quý giá, Nhiên thắt một cách nhẹ nhàng chóng để lá gãy vụn rồi tạo hình chiếc nơ. Trông nó bây giờ không khác mấy một thành phẩm dân gian được bày bán lưu niệm, đẹp đến mức cả tôi lẫn Tĩnh hảo đều không nỡ rời mắt.

“Nếu công chúa không chê thì dùng cái của hạ thần đi.”

***

Mang chỉ dụ chi viện lương thực, Tùng không dám chậm hơn nữa. Sau hồi nghĩ chân chóng vánh liền lập tức ngày đêm lên đường. Càng gần Hiểu Yên thì càng cảm nhận được sắc bi ai, dọc ven đường chỉ cần là cây ăn được thì đều trụi cả hoa cả lá, đất bị bới lên sần như da cóc. Đoàn vừa người vừa ngựa đi đến đâu, người dân lia mắt nhìn đến đấy, có kẻ còn mất bình tĩnh ném bùn vào thành kiệu.

“Sao lại thế hả chị?” – Tĩnh Hảo lo sợ ngồi không yên, níu lấy vạt áo tôi liên tục.

Người dân đã từng đặt niềm tin nơi bề trên, chỉ vì một gã tham quan đã đoạt mất tia sáng le lói ấy. Cả một phủ nhà cửa vốn rất ư là vững chắc, nhưng lại mở toang, người dân nhếch nhác ai nấy đều chống cái gậy khẳng khiu to hơn chân không bao nhiêu mà đi đứng. Hiểu Yên nhỏ nhưng ý chí quật cường lại to lớn, đảo mắt một vòng liền bắt gặp những sự sống mãnh liệt ấy đang cố gắng, đàn ông vác xẻng vác cuốc, đàn bà gánh nước gánh phân, hết thảy đều một lòng.

Ngựa dừng bước trước một biệt phủ to dễ chừng không kém cạnh những căn chốn kinh kỳ đã từng bắt gặp, chính là nơi ở trước kia của quan tri họ La bị cách chức. Những thứ có giá trị đều vừa tịch thu vừa trả lại dân chúng, giờ đây chốn xa hoa lại bổng chốc xác xơ lạnh lẽo đến không ngờ. Bách tính qua từng ấy chuyện vẫn còn giận lắm, họ không loạn chỉ là không muốn phục tùng nữa. Ngay cả khi nghe Lưu Tùng lớn giọng bố cáo chi viện lẫn chẩn bệnh bốc thuốc, chẳng những không bận lòng mà còn râm ran chửi rủa. Thấy vậy, các binh sĩ lẫn y sinh đi cùng dần nhục chí như muốn thoái lui.

Nhân lúc ai nấy đều tất bận chuẩn bị lương thực chi viện, người soạn nguyên liệu nấu cháo kẻ kiểm kê ngân sách thuốc thang. Tĩnh Hảo đích thân coi nấu lương thực chi viện, tôi cho Xuân Nhi đến phụ giúp, còn bản thân lại có dự tính riêng.

Tôi tìm khắp gian phòng mình nghỉ lẫn các gian bên cạnh, chỉ mong tìm được một dạng phục áo nào màu sẩm một chút. Mọi thứ đều sạch sẽ chẳng sót lại thứ gì đáng giá, do thế tôi từng thầm tin một dạng áo của gia nhân nào đó sẽ vì vô giá trị mà bỏ lại. Nhưng không, ngăn tủ trống hoác, đến cái cuối cùng mà tôi gửi gắm trông chờ cũng chẳng khác biệt, có hơi thất vọng tôi đóng sầm vừa tuôn miệng nhỏ giọng: “Không tin được.”. Đương quắc mắt sang, tôi điếng người khi thấy bóng ai lù lù phía trước, y bị phát giác thì có hơi hoảng loạn: “B-bẩm công chúa, thần chỉ vừa đến thôi... Chả thấy gì…”

Ẩn quảng cáo


Tôi thở dài thườn thượt, liền lúc nhìn ra Du Nhiên phía trước tay cầm mớ y phục màu nâu gỗ sồi. Lòng như rạng rỡ của nắng hạ gặp mưa rào, chạy đến trỏ: “Đây là gì thế?”

Nhiên cúi nhìn mớ đồ trên tay, đoạn đáp lời: “Đây nằm trong vật phẩm chi viện của triều đình ta đấy ạ!”

“Có thể… cho tôi một bộ không?”

Nhiên lập tức lia mắt nhìn, ngỡ ngàng chẳng biết nên hỏi sao cho phải. Tôi quơ tay ra hiệu bảo y ghé sát vào, đoạn thỏ thẻ: “Tôi muốn tự mình tìm hiểu cuộc sống thật sự của bách tính nơi đây.”

Quan ở gần vua ở xa, dù trợ cấp cũng phải hiểu điều họ thật sự cần, và rằng họ đã sẵn sàng tiếp nhận những ân huệ này hay vẫn còn nghi kị. Chỉ cần chưa làm rõ những vấn đề thật sự thì chi viện phải chăng chỉ như đem muối bỏ biển, bao nhiêu mới có lại lòng dân? Vốn không muốn cho Xuân Nhi nhúng tay cùng bởi em ấy sẽ vì an nguy của tôi mà có thể sẽ âm thầm tìm cứu viện. Còn Du Nhiên, y sẽ khuyên can theo lẽ thường cho tròn nghĩa bề tôi, sau chỉ cần cương quyết và hứa hẹn chừng mực, y chẳng có lý do nào từ chối.

“Được, vậy thần sẽ cùng đi với công chúa!” – Vừa nói, Nhiên vừa chìa một bộ y phục vải the nâu sẫm ra trước mặt. Chẳng những không phản đối, ngược lại rất đồng tình. Tôi thoáng ngây người, giương mắt nhìn y, Nhiên cười nhẹ rồi nhanh chóng hối thúc lên đường.

***

Từ ngõ sau biệt phủ là một cái ao lớn, hứng nước sinh hoạt cho cả phủ. Thuở xưa ông cha ta dụng nước mưa như nước tinh khiết nhất, cẩn thận hứng rồi bịt kín dùng uống hay nấu cơm. Còn nước ao hồ thế này, vàng ngầu có khi còn xám xịt tùy vào tình trạng có thể giặt giũ, tắm rửa hoặc canh tác. Nước trong cung cấm sạch sẽ hơn nhưng chẳng bì nổi với hiện đại, hồi đầu không quen da mẫn cảm nổi đầy mụn đỏ, lúc ấy tôi cho rằng bản thân chịu đựng đã quá giới hạn, không sao sống nổi với điều kiện như thế quá một tháng, ấy vậy mà dần dà không còn coi nặng điều này nữa.

Tôi men theo đường đi của người gánh nước đằng trước ra tới chợ. Trông giống như chợ quê trên bản, vài bó rau dại hay vài con cá không còn tươi cũng được bày bán đựng trên những tàu lá chuối xanh mơn mởn. Tôi ghé lại sạp rau của một cặp vợ chồng nọ: “Rau này bán thế nào ạ?”

Người vợ đang mớm cho đứa trẻ gầy hốc hác, mắt trũng lờ đờ trên tay. Mặt cô ánh lên vẻ tiều tụy như lâu ngày chẳng chợp mắt, vừa trông thấy vị khách lạ, cô đảo mắt sang khinh miệt: “Rau dại. Có ăn nổi không mà mua?”

Bấy giờ tôi mới nhìn xuống thứ rau hình thù kỳ lạ, có chút hơi giống dương xỉ trong sách sinh học từng xem qua. Đầu lá uốn như vòi voi, thân hình bụ bẩm, xanh mướt. Tôi vốn kém kiến thức sinh học, đoạn nhìn lên đối mặt cả hai vợ chồng bán rau thái độ như chẳng trông chờ gì bán được cho tôi, vậy thì càng không thể mất mặt. Tôi ngửa cổ cầu cứu Du Nhiên, huýt vào chân kẻ đứng như trời trồng. Lúc này y mới ngồi cạnh, khẽ cầm hai bó rau dại duy nhất: “Dớn rừng này ăn thì thường, nhưng lại là vị thuốc quý.”

Người chồng buông cái gánh thôi không đi nữa, quay sang hỏi Nhiên: “Dám hỏi ông đây, dớn rừng trị bệnh chi?”

“Ông bán mà lại không biết à?” – Vẻ mặt Nhiên nhăn nhó như chế giễu, tôi biết y không có ý gì ngoài gương mặt không ăn nhập với tánh tình. Liền nghiến răng nhắc nhỏ:

“Đừng vô lý nữa, ông chủ không phải thầy thuốc thì biết cái kiểu gì được?”

Đứa trẻ chợt khóc òa lên bằng giọng khản đặc. Người vợ liên mồm dỗ, tay không ngừng vét thứ đồ ăn lõng lẽo đục như nước gạo. Nhiên thấy thế liền hỏi: “Chị cho con ăn gì đấy?”

Vợ chồng họ chẳng đoái hoài Nhiên, cũng chẳng quá ngạc nhiên về đứa bé, duy ba bốn phần bất lực đến nhức nhói là hiện rõ trên hai gương mặt khắc khổ. Thật lạ kỳ, đứa trẻ dễ chừng sáu tháng đang khóc nấc như dốc hết ruột gan lại chẳng rơi nổi một giọt nước, mắt còn không ứa lệ.

“Có phải đứa bé bị bệnh gì không?” – Tôi quay sang hỏi Nhiên.

Y gật gù, lại phe phẩy mấy lá dớn rừng: “Thần định hành y cứu thế, tiếc thay không ai đón nhận cả.”

Du Nhiên mặt mày dữ tợn nhưng lại là kẻ thích bỡn cợt, có lần tôi trông thấy y bện con cào cào bằng lá tre rồi cẩn thận cắm vào đay áo đồng môn, làm thỉnh thoàng ngoài kiệu ồn ã tiếng mắng y. Lần này Nhiên trêu chẳng ai mắng, chỉ thấy người làm cha đằng trước có chút dao động, song vẫn còn vài phần nghi kị.

“Muốn cứu thế thì phải có bản lĩnh, anh có biết con người ta mắc bệnh gì trước khi chẩn mạch thì tôi mới tin.” – Tôi thay vợ chồng kia xác nhận, cũng là cho chúng tôi một cơ hội giúp người.

Nhiên chẳng rõ vì sao lại khẽ cười nhạt, đảo mắt sang hướng khác, một lúc mới dừng tại đứa trẻ còn oang oang khóc lớn, hỏi: “Con chị ăn uống hẳn đều tuôn hết ra ngoài?”

“Dạ… dạ thầy, con em ăn bao nhiêu nôn mửa, đi ngoài hết cả. Nôn ra nước trong, ỉa ra phân lỏng” – Chị vợ chốc mừng như bắt gặp danh y, liếng thoắng kể bệnh con cầu mong có được một cơ hội cứu chữa. Nhiên nghe xong giật phắng nhìn tôi, lại cố tỏ vẻ đã hiểu rõ bệnh án gật đầu cười gượng, tôi mới hiểu ra y là lo những lời nói dân dã đó tuyệt nhiên không thể tuôn tùy tiện trước mặt hoàng thất. Tôi lại không thể cho Nhiên biết những lời chất phác thế này không thể quy là thô thiển, chí ít con người ở nơi của tôi đã không thấy vấn đề gì ở phát ngôn như vậy.

Trông thấy y không ngừng phe phẩy rau dớn, tôi tò mò: “Rau dớn này có thể trị chứng tiêu chảy à?”

Nhiên vội buông, giải thích: “Có thể, nhưng trẻ nhỏ thế dùng hồng xiêm xanh là tốt nhất.”

“Có… nhà ông Tứ có cây hồng xiêm, hình như vừa đậu đợt quả mới.”

“Ông đấy bán đắt dễ bằng bát gạo chỉ được ba quả, làm sao mà mua nổi hả ông?”

Cả hai thoáng phiền lòng. Nhưng vấn đề gì có thể giải quyết bằng tiền, đối với tôi hiện giờ nó chẳng đáng là vấn đề nữa.

“Tôi nhất định sẽ mang hồng xiêm xanh về cho hai người.” – Tôi bật dậy ngạo nghễ tuyên bố, toan nhanh chóng rời đi. Rồi chợt nhận ra bản thân không biết ông Tứ, liền quay lại, nào ngờ Nhiên đã rảo bước theo tự khi nào.

Y bật cười, nói: “Đi thôi.”

***

Những tưởng Nhiên thông thạo đường sá Hiểu Yên, đâu ngờ tới vị y sinh mang nét mày tướng sĩ này đi đến đâu lại dò đường đến đó. Thôi thì ở thôn quê lạ lẫm, có kẻ đàn ông trông dữ tợn đi cùng xem chừng là lợi. Dọc đường chỉ cần là kẻ nhàn rỗi thì đều không rời mắt mà bễu môi xì xầm bàn tán, có mấy đứa trẻ chưa no bụng vẫn đang rong ruổi khắp nơi, bắt gặp hai kẻ lạ mặt tại chốn Hiểu Yên đất chật người lại thưa này thì liền đi theo.

“Có gì mà anh cứ hí hửng suốt cả đoạn vậy?” – Tôi cảm nhận được y chốc chốc lại lia mắt sang cười trộm.

“Công chúa cho phép, thì thần mới nói.”

“Thế không cần nữa.” - Tôi thản nhiên rời bước bỏ lại y, chỉ mong nhanh chóng tìm bằng được hồng xiêm. Tôi không biết cây hồng ra làm sao, nhưng nghe phong phanh về đợt đậu quả mới từ vợ chồng hàng rau mới tự tin tuyên bố chắc nịt, vì chỉ có cây hồng mới đậu được quả hồng. Theo như lời đứa trẻ đáng tin nhất, nhà ông Tứ chài cá nằm sát con sông đục ngầu, cả phủ Hiểu Yên chỉ duy nhất có con sông này có cá. Chúng tôi men qua một xóm làm khô, biết chắc đã gần đến con sông ấy, liền nhấc bước vội vã hơn.

Rời khỏi cái ngõ chật hẹp chỉ vừa một người đi sang, với dáng vóc Du Nhiên miễn cưỡng cũng có thể qua lọt. Đập vào mắt tôi là một con sông đỏ nặng phù sa mà bất cứ con thuyền độc mộc nào lướt sang cũng mang lại cảm giác yên bình đến chẳng còn muốn màng thế sự ngoài kia.

“Bẩm… đằng ấy chắc là ông Tứ!”

Nhiên kéo tôi trở về thực tại, sự thật hiển nhiên rằng tôi vẫn còn lưu lạc ùa về vực tâm trí bừng tỉnh. Quả thực có một cây hồng rất sum suê, lá từng chùm lớn rũ bóng như chiếc ô khổng lồ che chắn cho mái tranh nhỏ phía dưới. Ông lão độ chừng sáu mươi lại ngửa cổ thu hoạch bao nhiêu là hồng xiêm, đựng đầy rổ rá.

Ẩn quảng cáo


“Tôi không bán cho hai người, về đi.” – Ông thẳng thừng từ chối ngay khi chúng tôi chỉ vừa ngỏ lời, mắt vẫn dõi theo mớ hồng chín mọng nâu nhạt như trăm đèn đương treo lủng lẳng trên cây ngày tết.

“Ông biết đây là ai không? Trưởng công chúa Lâm triều đang ở đây, cứ mặc sức hét giá đi.” – Nhiên vờ thỏ thẻ.

Tôi huých nhẹ vào hông Nhiên, có lẽ y chẳng nhớ mục đích tôi thay bộ áo the này là vì chẳng muốn khoa trương danh vị. Bỏ qua vấn đề đấy, thì lương bổng cho vị trí này chẳng đáng là bao, chẳng may ông ấy hét giá vượt ngân sách thật có mà mất thể diện hoàng tộc. Tay ông Tứ khựng lại đôi chút, rồi lại thoăn thoắt vun vợt văng quả hồng xiêm đen ngòm về hướng tôi, vừa khớp chạm đến bắp chân làm dơ cả váy áo. Tôi vì ngại kiến và sự nhóp nhép của quả hồng xiêm hỏng phân nửa mà có phần hơi hoảng loạn, nhưng không quên ngăn cản Nhiên sợ y lại như bao kẻ ra mặt bảo vệ danh dự cho con cháu nhà đế vương.

“Người không sao chứ?” – Nhiên đương bị giữ tay, khẽ cúi người về tôi thấp giọng hỏi nhỏ.

Tôi lắc đầu. Ngẫm một hồi ngắn, lại quyết định rảo bước về phía ông Tứ. Ông lão này vừa nghe đến danh vị liền thái độ bực dọc, chẳng màng đến lễ nghĩa bề tôi mà hành xử tùy ý. Điều gì đã khiến gương mặt chất phác này ánh lên sự thù hằn đến vậy?

“Con xin ông…” – Tôi toan khụy gối

Nhiên dường như đoán được ý, liền chạy đến đỡ kịp: “Công chúa, không thể quỳ!”

Tôi ngước nhìn y, mặt mày nghiêm trọng khác hẳn nãy giờ. Ngay cả ông Tứ và bà con Hiểu Yên theo cùng cũng biến sắc kinh ngạc. Tôi thầm đoán vị thế của tôi lại ngã gối trước bách tính thường dân thì không hợp nghĩa, chỉ e liên lụy cả kẻ vô tội. Liền thôi, tôi quay sang giương sự chân thành mà nài nỉ:

“Đứa bé ở đầu chợ bệnh ngày trở nặng, nhưng nếu có hồng xiêm xanh nhà ông thì có cơ hội khỏi.”

Ông Tứ quay sang nhìn rổ hồng xiêm chất đầy rổ rá vẫn lộp độp rơi vài ba quả. Rồi kéo tay áo thấm bớt mồ hôi trên trán, đoạn quay lại tiếp tục hái.

“Ông có thể mặc cháu, nhưng sao lại bỏ rơi đứa trẻ cùng cảnh ngộ với mình?” – Tôi sốt ruột.

Vợt khựng lại, ông Tứ thu cây vợt làm bằng nhánh cây xuống đặt cạnh mình. Đôi mắt ông thẫm lại, tay nắm lại nổi gồ, nói: “Cầu xin công chúa, tiện dân thì chỉ mong sống đời nhàn hạ. Chẳng dám mơ tưởng danh lợi, chỉ có kẻ ngốc như ông Liễu mới tin vào để thoáng lìa đời chẳng có một ai đưa tang.”

Những lời này để lọt vào tai Lưu Trạch Dương thì tôi có mà bỏ mạng xứ người…

Lời mắng vừa dứt, thì ồn ã câu rủa từ khắp nơi. Hai mươi năm trên cõi đời tôi chưa từng đối diện với từng ấy người đều căm hờn phỉ nhổ mình, họ không công khai hay làm loạn, đủ để kẻ từng sống dựa vào thái độ người khác như tôi hiểu ra. Chẳng phải lòng dân cảm kích không kể siết hay sao? Bấy giờ tôi thấu tường tận, cái gọi là sử sách không phải gương đồng tỏ rõ nhân thế, ai dám chắc đằng sau những vết mực hằn lên trang sách lại không mang theo những khuất tất hay sự thật mà chính các bậc đế vương, tướng sĩ muốn giấu kín, muốn chôn vùi theo dòng chảy của thời gian.

“Ông cũng đâu muốn đứa trẻ ấy chết.” – Tôi biết thứ ông căm phẫn là triều đình, chẳng mấy khi có người triều đình lại xuống nước nài nỉ với mình. Ông chỉ đang vịn vào mà hờn thôi.

Ông có hơi ngập ngừng, tay chân không yên: “H-hồng xiêm thì chữa được bệnh gì chứ?”

“Hồng xiêm xanh tính mát, cắt lát sắc lấy nước, cho trẻ dùng một ngày hai lần, chữa chứng tiêu chảy rất tốt.” – Nhiên dỏng dạc.

“Thế nước gian nguy, kẻ sâu mọt làm càng lợi dụng nổi lên như ong là lỗi của triều đình, nợ toàn thể bá tánh Hiểu Yên một lời giải thích.” – Tôi lấy hết can đảm lớn giọng, hơi cúi người, thái độ vô cùng khẩn khoản. – “La Thanh lòng tham khôn cùng, hạch bạc vàng vét kiệt mồ hôi nước mắt chúng dân, quy phán tội trộm cắp cho đi đày ải phương xa, tịch thu sản nghiệp” – Đoạn ngẩng lên, dõi mắt trước trăm họ đang ta oán, gằn từng tiếng: “Nay phụng theo mệnh Bệ hạ, năm vị y sinh cùng hàng chục rương lương thực được chở đến đây. Lâm triều… sẽ không bỏ lại bất kỳ phủ nào, chỉ cần là có con dân sinh sống!”

Thật lòng tạ lỗi với ngươi, Lưu Tùng. Chuyến này do ngươi làm chủ, thế lực họ Lưu có lẽ muốn ngươi đi thâu tóm lòng dân. Nhưng vì lợi ích của bản thân, ta lại phải làm trò hèn hạ.

Ông Tứ vờ không bận lòng, cúi sầm ánh nhìn khi tôi quay sang. Chầm chậm cúi nhặt rổ hồng xiêm, hai tay khệ nệ bê vào trong nhà, mất hút.

“Lão không cho rồi, công chúa tính thế nào?” – Nhiên chống nạnh nhăn nhó.

Mắt tôi chẳng dao động, đăm đăm một hướng. Mỉm cười đáp: “Nếu không cho… còn để lại vợt cho chúng ta sao?”

***

Buổi sáng tại Hiểu Yên.

Xuân Nhi nhẹ nhàng mở chiếc rèm đón từng hồi nắng sớm, tôi cựa quậy trên giường mãi chẳng nỡ dậy. Cơn đau ê ẩm từ cú ngã hôm qua đến nay thì âm ỉ, tôi nhớ mình rơi từ độ không quá cao, chỉ biết thành công giữ được mấy quả hồng xiêm khỏi dập nát. Cái vợt lỏng lẽo của ông Tứ cũng bị phá hỏng, thế mà lão cũng hái được từng ấy quả, không biết có gì khuất tất đằng sau hay không.

Tôi gượng ngồi dậy, cùng Xuân Nhi đi chuẩn bị phát cháo chi viện. Gian bếp ảm đạm, sắc mặt ai nấy đều chán chường thong thả. Chi viện nghe có vẻ là công việc vẻ vang, nhưng đối với vùng Hiểu Yên bị nhấn chìm trong tang tóc mưa sương vẫn quật cường chẳng khuất phục này thì là đằng khác. Vốn dĩ thế lực họ Lưu sớm biết, chuyến đi này ngoài cứu đói thì chính là thế trận yên dân.

Bếp dần tàn lửa, lính tráng nối tiếp nhận những chiếc nồi lớn chứa đầy cháo trắng, khệ nệ bưng ra. Y sinh nhặt mỗi vị thuốc một nắm tay cho vào rổ nhỏ, rồi tiếp bước. Tôi lặng lẽ nhìn mấy rương gạo, thuốc còn chưa tháo khóa, lòng như trì nặng.

“Công chúa!”

Tôi quay sang nhìn, Du nhiên trong trang phục chỉnh tề của một y sinh đang hớt hải chạy vào, nhìn tôi hớn hở.

“Sao vậy?”

Nhiên hất cằm về hướng cửa, không sao tắt nổi nụ cười: “Người… ra xem này.”

Tôi ngờ ngợ đoán được, bước chân cũng tò mò nhanh chóng. Rời khỏi gian nhà sau với giếng trời rộng như tách biệt, liền nghe được tứ phía nháo nhào ồn ã. Bất giác vui vẻ rộn ràng, tôi nhìn Nhiên, y vừa vác mớ thuốc Nam bị bỏ lại vừa lặng chờ tôi cùng bước.

Mở toang cổng chính, tiếng ồn như bị đánh vỡ, ồ ạt ôm chầm lấy cả người tôi. Ông Tứ, vợ chồng người bán rau hay lũ trẻ bám theo hái hồng xiêm, người người chật kín không thua hội kinh kỳ, đen nghịt trước sân biệt phủ từng gây biết bao sự ai oán. Họ không đến đây chịu phạt, họ cũng chẳng đến vì đói nghèo, tất thảy đều xuất hiện như thay lời đáp rằng một lần nữa lại trao niềm tin cho đương triều họ Lâm.

o0o

(1) Quế nguyệt: Tháng tám.

(2) Hoành đầu: Theo bộ “Hình thư” triều Lý, quan lại thu thuế của nhân dân, ngoài mười phần đóng vào kho nhà nước, được thu riêng một phần gọi là hoành đầu. Kẻ nào thu quá số ấy bị khép vào tội ăn trộm.

Báo cáo nội dung vi phạm
Xin lỗi mọi người vì quá trình ra chương chậm những tuần qua. Bắt đầu từ tuần này công việc mình đã ổn hơn, vì thế lịch ra chương vẫn là thứ bảy hằng tuần ạ. Cảm ơn những follow mới, cảm ơn những đề cử quý giá của mọi người. Mình không biết nói gì hơn là cảm ơn rất nhiều!
Ẩn quảng cáo

Nhận xét về Đạo Sử? Ta Không Phục

Số ký tự: 0