Chương 7: Mùa đông

Lạnh và nhớ những ngày mùa đông của ngày xưa – cái thời mà tớ chưa mười sáu tuổi.

Là những thửa ruộng trơ những gốc rạ xám ngắt ngoài đồng phía trước dãy nhà tập thể. Nơi đó, mỗi chiều đều có đàn trâu cặm cụi gặp những đốm mạ xanh non trồi lên từ những gốc rạ xám ngắt đó. Vài con quạ đen bay lượn trên nền trời xám. Thi thoảng mỏi chân, đậu trên lưng mấy con trâu hiền ngơ ngác.

Rét mướt và khô khốc. Gió heo may từng đợt xao xác lá. Mấy khóm tre xanh đu đưa theo gió kẽo kẹt. Tiếng lá, tiếng gió xôn xao.

Vườn rau của mẹ ngay phía đầu hồi khu nhà tập thể có tường gạch cũ kĩ. Mùa này trồng đủ loại rau: bắp cải, xu hào, cà chua, cô ve, thì là, mùi... Những vạt đất xám tơi xốp đã được mẹ dọn kĩ cỏ rác, đá sỏi, bón phân và phủ thêm lớp rơm rạ mùn. Trên nền màu xám đó, những mầm xanh bật lên mơn mởn. Nhiệm vụ của tớ là tưới nước cho chúng nó mỗi chiều. Mùa này nước cạn, giếng lại sâu. Cái gàu kéo lên – xuống bằng cần cẩu cao ngất ngưởng. Mỗi lần kéo xuống nặng trĩu vì có đá buộc phía đuôi cẩu, lúc đưa nước lên lại nhẹ tênh. Mỗi lần đổ nước bị té ra ngoài, lạnh buốt tay.

Mùa đông xám ngắt. Đất đai khô reng màu xám trắng. Tưới tới đâu, đất ngả sang màu nâu tới đó. Vậy nhưng nước từ vòi ô roa phun ra vừa thấm ướt mặt đất chỉ một lát sau lại đã như là âm ẩm. Chỉ còn những lá rau non là vẫn còn đẫm nước, lung linh trong ánh vàng chiều.

Mùa này rét mướt nên những bữa cơm chiều đều vội vã trong ánh đèn điện vàng yếu ớt. Tiếng bát đũa, xoong nồi va vào nhau. Tiếng gọi giục giã lũ trẻ con về ăn cơm tối. Tiếng nhắc nhở, quát nạt. Tiếng trò chuyện rì rầm. Tiếng tivi xa lắc xen lẫn tiếng “muỗi” nhiễu sóng rè rè.

Thời đó, 8, 9 giờ tối mà như đã khuya muộn lắm rồi. Tivi hiếm hoi, rét mướt nên trẻ con bọn tớ cũng ít đứa nào chịu ngồi căng mắt trong ánh sáng lờ mờ để dõi lên màn hình 14in đầy nhiễu xem những bộ phim dài tập. Chương trình yêu thích của bọn tớ là phim hoạt hình trước lúc 6h hoặc “những bông hoa nhỏ” lúc 7h tối.

Đêm muộn, mọi người thường vây quanh bên bếp ăn tập thể. Nơi đó những khúc củi gỗ dày sụ, những gốc cây khô được chất đống chờ tới lượt đượm than hồng để mọi người đang xít xoa vì lạnh ngồi quây quần sưởi ấm và kể những câu chuyện không đầu không cuối cho nhau nghe. Lũ trẻ con bọn tớ thường mon men ngồi ké hóng chuyện và chờ những mẻ ngô, khoai nướng thơm lừng vừa ăn vừa hít hà vì nóng, vì thơm, vì ngọt. Nhiều món ngon cũng được lưu truyền thử nghiệm, như cách bỏ cát vào rang ngô khô cho nở thành bỏng ngô hoặc ăn cho giòn. Nướng mía. Nướng sắn.... Những món ăn mà tới bây giờ chỉ nhớ về thôi cũng đã thơm lừng vị bùi, ngọt không gì sánh nổi.

Tận khuya, khi cả cái góc nhỏ của phố huyện buồn tênh kia đã chìm vào màn đêm im lìm, mọi người mới đứng lên ai về nhà nấy, để lũ trẻ được cuộn tròn trong những chiếc chăn bông đằn chỉ dày cộm ấm áp, để lại được mơ những giấc mơ miên man trong hơi ấm, để lại được lười biếng chỉ muốn nán lại thêm chút nữa vào mỗi sáng mai thức dậy.

Là mỗi buổi sáng mai đi học trên con đường đê dài tít tắp bắc ngang qua cánh đồng lúa đang trổ đòng đòng. Trên đê, lối mòn trơ đất màu xám trắng, từng tốp học trò ríu rít níu vai nhau. Vài đứa đi xe đạp, loại xe “thống nhất” hoặc xe đạp nữ, xe nam có khung. Có xe chở ba, chở bốn.

Nhà tớ phía đầu đê bên này, cuối đê kia là trường. Hôm nào nghe tiếng trống trường điểm báo một hồi dài mới bắt đầu đi học. Cái cảm giác mà sương mù giăng kín cánh đồng. Đứng cách xa nhau là không nhìn thấy mặt. Có những hôm sương nhiều tới mức rơi bay bay như bụi mưa. Đi một lát là mi mắt đã đọng đầy sương, tóc phủ một lớp nước mỏng li ti. Cỏ hai bên sườn đê sương phủ đều. Thú vui của một con bé gầy nhom như tớ là đi qua những vạt cỏ may, lấy chân đung đưa cho nước rụng xuống, hoặc sục hẳn chân vào những thảm cỏ màu xanh mướt đẫm sương. Cái cảm giác buốt lạnh râm ran nó mới thú làm sao.

Thời ấy, lớp học chưa có cửa sổ che chắn. Hai bên lớp chỉ là phên rào chắn bằng nan nứa đan lại. Mái tranh rỏ từng giọt sương. Hai đầu bàn ngay sát rìa cửa sổ cũng ẩm ướt sau một đêm hứng trọn sương gió.

Lớp học lạnh ngắt lạnh ngơ. Từng đợt gió thốc vào. Lũ trẻ xơ xác rét. Tóc bay phất phơ, áo bông trần chỉ co ro. Tay chân lạnh buốt. Rét là vậy, sương nhiều là vậy nhưng tới trưa là nắng lên hanh hao. Má đứa nào đứa nấy nứt nẻ đỏ hồng.

Rét là vậy, nhưng giờ ra chơi chẳng đứa nào chịu ngồi yên trong lớp. Sân trường đất nhẵn thín bởi những bước chân của bao nhiêu thế hệ đã qua. Chỗ này chơi chuyền, chỗ kia chơi ô ăn quan, nhóm con trai chơi khẳng, chơi bắn bi... Chạy nhảy, cười đùa một hồi, má đỏ hây hây, mặt đứa nào cũng tươi cười rạng rỡ.

Là cái thời mà mỗi sáng chủ nhật hoặc những ngày giáp tết hóng mẹ đi chợ về. Ngày nắng hanh thì chớ, những hôm mưa rét nhìn mẹ về từ đầu ngõ liêu xiêu trong gió. Mảnh áo mưa buộc lệch cả một bên vai. Cái nón lá ướt sũng nước. Trên chiếc xe đạp nữ cũ kĩ đã tróc hết lớp sơn, nào là làn nhựa treo phía trước, gác ba ga phía sau những là lỉnh kỉnh đủ thứ rau củ thức ăn. Có khi là mớ khoai lang, cây chổi rơm, dúm củ đậu. Mẹ vừa rét run gỡ đồ trên xe xuống, vừa chia đồ ăn cho hai chị em bọn tớ. Nào kẹo gỗ, bánh rán đường, có khi là củ rong, củ sắn luộc còn ấm tay.

Là cái mùa mà xơ xác rét.

Xơ xác nhớ.

Báo cáo nội dung vi phạm

Nhận xét về Cái Thời Tớ Chưa Mười Sáu Tuổi

Số ký tự: 0