Chương 28: Như Một Gia Đình

Khi ánh nắng mùa xuân đã ngập tràn các nẻo đường ngã rẽ thì An mới choàng tỉnh sau một giấc ngủ mê man, mộng mị. Cô thấy đầu hơi choáng váng, từng tia nắng vàng rực len lỏi qua cánh cửa sổ khép hờ bỗng rọi thẳng vào khiến cô cảm thấy khó chịu vì chói. Theo phản xạ, cô đưa tay lên mắt để che đi những tia nắng chói chang kia rồi từ từ bước xuống giường. Người đêm qua nằm cạnh cô giờ đã không còn nữa, nắng lại vàng rực thế này thì chắc là trễ lắm rồi, nói không chừng đã quá trưa cũng nên.

Nghĩ vậy, An tiến đến chiếc bàn làm việc của thầy Thành, nơi có đặt chiếc đồng hồ để bàn nho nhỏ. 10 giờ 35 phút! Vừa mới liếc nhìn kim giờ cùng kim phút đang đứng yên và kim giây đang nhảy múa “tích tắc” thôi mà cô đã ba chân bốn cẳng phi nhanh ra khỏi phòng.

An định đi xuống gian nhà dưới thì đúng lúc bắt gặp Thành đang bưng đồ cúng xuống. Vừa mới chạm mặt, anh liền thấy cô đang đứng ngơ ngác trước cửa phòng nên bèn cười bảo, trông anh bây giờ đã khác một trời một vực với dáng vẻ đêm qua:

- Ngủ ngon không? Nhanh vào phòng tắm đánh răng rửa mặt đi, có bàn chải mới đặt gần bồn ấy!

An khẽ gật đầu và “dạ” một tiếng dù cô vẫn chưa hiểu lắm. Hôm nay đáng lẽ cô phải về nhà nội ăn Tết nhưng sao giờ đã trễ thế này mà không một ai đánh thức cô dậy sớm cả? Nhận thấy có gì đó không đúng, cô vội vàng đuổi theo bóng lưng đã dần khuất hẳn:

- Thầy, cô em đâu rồi ạ?

Nghe An hỏi, Thành vừa trả lời cô vừa bước đi tiếp, không quay người lại:

- Sáng sớm nay thầy dắt xe cô tới tiệm, qua Tết họ sửa sau. Rồi thầy chở cô về nhà nội em ở tận trên thành phố lận. Thấy em còn ngủ nên cô ấy không nỡ đánh thức, mà như thế cũng tốt, tiện cho em ở lại đây ăn Tết, cũng là để cho em có một cái Tết trọn vẹn nhất suốt mấy năm qua.

“Để cho em có một cái Tết trọn vẹn nhất...” Dù An không kể lể và Thành cũng không hỏi đến nhưng cả hai cũng ngầm hiểu được sự quan tâm chân thành đến từ phía đối phương.

“Cho em ở lại đây ăn Tết” ư? Cô có nghe lầm không? Cô được ăn Tết cùng anh ư? Liệu khoảnh khắc này đây có phải là mơ không? Khoảnh khắc ngay tại giờ phút này là thật, cô đang ở nhà anh là thật, và cơn đau nhói lên vì cú ngã xe hôm qua cũng là thật.

Mọi việc diễn ra cứ như mơ vậy. Bỗng dưng đôi mắt An chợt cay xè và ươn ướt. Đã mấy năm rồi cô đã không còn háo hức đợi chờ ngày Tết đến? Đã mấy năm rồi nước mắt cô cứ lẳng lặng tuôn rơi mỗi dịp xuân về? Tết năm nay cô cũng khóc, nhưng không phải khóc vì tủi, vì buồn, vì ấm ức mà những giọt nước mắt này đang thấm ướt hai gò má vì sự vui mừng, hân hoan quá đỗi. Không ngờ rằng ngày đầu năm mới lại tràn ngập màu sắc tươi vui đến vậy, trong lòng An bỗng mọc đầy những chồi non tươi xanh mơn mởn như thể được tiết trời ấm áp của mùa xuân bao bọc.

An khẽ bước vào phòng tắm, cô nhìn dáng vẻ đầu xù tóc rối của mình trong gương rồi cười ngây ngô như một đứa trẻ. Thì ra, mùa xuân ấm không phải vì ánh nắng tràn ngập khắp không gian mà nó ấm vì trong lòng người cũng ấm.

...

Khi An vệ sinh cá nhân xong xuôi thì những đồ cúng trên bàn thờ tổ tiên vào buổi sớm mùng một Tết cũng đã bưng xuống hết cả, các dĩa thức ăn đều đã được bày ra trên chiếc bàn tròn ở gian sau.

Thành bảo An xuống dùng bữa trưa, cô nghe thấy tiếng anh vọng lên liền nhanh chân chạy xuống. Cơm nước đủ đầy, ba người cùng ngồi quây quần bên chiếc bàn tròn trông hệt như một gia đình thật sự.

Trong bữa cơm ấy, An có hơi ngại vì chẳng phụ giúp được gì nên cô chỉ ăn trong im lặng, không nói không rằng. Và Thành cũng thế. Duy chỉ có ông Niên- cha thầy Thành là hớn hở kể chuyện này chuyện nọ, mà những câu chuyện này đều xa lắc xa lơ, người trẻ như Thành và An đều chẳng biết tiếp lời như thế nào, cả hai chỉ biết gật đầu kèm vài ba tiếng “dạ”.

Ẩn quảng cáo


Rồi bất chợt, ông Niên bỗng dưng chuyển đề tài trò chuyện, ông tươi cười nhìn thằng con trai đang ngồi phía đối diện. Ông hạ giọng xuống, trong giọng nói phảng phất chút buồn rầu:

- Tết thì vui đấy. Nhưng thêm một tuổi thì lại già thêm một tuổi nữa. Con cũng sắp ba mươi đến nơi rồi, nhanh chóng lấy vợ sinh con để cha đây còn ẵm cháu nữa chứ!

Đôi đũa gắp cơm trong tay An bất chợt khựng lại trước câu nói ấy. Cô khẽ liếc nhìn anh. Vẻ mặt anh lúc này vẫn không thay đổi, anh bình thản đáp lại lời cha:

- Dạ, con biết rồi ạ!

- Biết là biết thế nào? Tết năm sau một là con phải dẫn bạn gái về đây ra mắt, bằng không cha sẽ dẫn con đi coi mắt. Cha thấy con bé hai nhà ông tư Can được đấy, nó...

Ông chưa nói dứt lời thì anh đã ngắt ngang:

- Cha, con đã nói là biết rồi mà!

Để xua đi bầu không khí có phần trầm xuống, anh khẽ gắp vài miếng đậu và thịt kho tàu bỏ vào chén ông, cười gượng gạo:

- Con hứa năm sau sẽ không làm cha thất vọng đâu mà! Ơ... sao cha ăn gì mà ít thế? Đây, phải ăn hết đó!

Vừa dứt lời, anh quay sang nhìn An và cũng gắp đồ ăn bỏ vào chén cô:

- Em cũng ăn ít quá, ăn nhiều lên nào!

An nhìn thịt, cá, rau củ trong chén mình liền dở khóc dở cười. Dù có hơi ngại chút nhưng trong lòng cô đã muốn hò hét lên trước cử chỉ của anh, cô vội lên tiếng, tỏ vẻ nhăn nhó:

- Thầy, em đâu phải trẻ con, em tự gắp được mà!

Nói rồi, để đáp lại cử chỉ quan tâm ấy, cô liền gắp vài ba món vào chén anh, nở nụ cười tươi rói như ánh nắng mùa xuân:

- Thầy cũng ăn nhiều lên cho có sức khỏe ạ!

Anh nhìn đôi đũa của An đang tiến đến chỗ mình thì định né tránh và từ chối. Nhưng nghĩ lại, anh mặc cô bỏ một đống đồ ăn vào chén mình, khẽ nở nụ cười vừa dịu dàng lại vừa ấm áp, trong ý cười ánh lên sự yêu thương và nuông chiều.

- Thầy cũng đâu phải là trẻ con!

Ẩn quảng cáo


...

Sau bữa cơm trưa, An xung phong rửa chén. Khi rửa chén xong, cô lại xung phong nấu cơm và làm vài món chay, mặn để cúng buổi chiều. Dù cùng là ở miền nam nhưng mỗi nhà lại có cách cúng khác nhau. Như ở nhà nội cô thì chỉ cần cúng một lần duy nhất, nhưng nhà anh lại phải cúng cơm bữa.

Thấy An giành hết việc về mình, Thành có ý muốn xuống bếp phụ giúp nhưng cô lại nằng nặc đòi làm cho bằng được. Cô nháy mắt, cười tươi:

- Thầy với ông cứ lên nhà trước đi! Hôm nay em sẽ trổ trài nấu ăn, đảm bảo thầy với ông sẽ không thất vọng đâu ạ!

Thành nghe vậy chỉ mỉm cười, chiều theo ý An.

...

Chiều hôm đó có khách đến nhưng không nhiều, chỉ có vài người họ hàng thôi. Thoáng thấy An pha trà mời họ, họ liền khen lấy khen để.

An nghe thấy những lời khen ấy cũng chỉ mỉm cười bởi cô biết chẳng qua cũng chỉ là những lời xã giao mà thôi. Nhưng trong số những lời khen đường mật ấy lại có một vài câu xen vào khiến cô suýt nữa đã làm rơi ấm trà xuống nền nhà.

- Con dâu tương lai của anh đấy sao? Đảm đang thật đấy!

- Tết dẫn bạn gái về nhà ra mắt à con? Con thật có phúc lắm đấy, nhìn con bé dễ thương chưa kìa!

An nghe thấy những lời này liền mặt đỏ tai hồng, tim đập thình thịch, chân tay lúng túng lên hết cả. Còn Thành thì khẽ ho một tiếng, anh đang định giải thích thì nghe ông Niên tươi cười đáp:

- Mấy người hiểu lầm rồi! Thằng Thành nhà tôi nào có phúc lấy được ai đâu, số nó chắc ế cả đời ấy chứ! Con bé này chỉ là con gái của đồng nghiệp nó. Nhà ấy có việc bận nên gửi con bé ở lại chỗ tôi ít hôm thôi!

An và Thành khẽ liếc nhìn nhau, cả hai đều nhận thấy trong mắt nhau sự bối rối. Mặt cô bất giác nóng ran nên vội chuyển tầm mắt sang hướng khác, trong lòng cô bỗng dấy lên những xúc cảm lạ kỳ, nó cứ đan xen vào nhau, rối như tơ vò.

Cô sợ anh nhìn thấu quả tim nhỏ bé của cô đang đập thình thịch trong lồng ngực. Chính vì vậy mà suốt cả buổi chiều và buổi tối hôm đó, cô chẳng dám nhìn thẳng vào anh thêm một lần nào nữa.

Và hình như... trong những xúc cảm còn đang mờ ảo trong tầng tầng lớp lớp sương mù dày đặc ấy, có lẽ anh cũng phần nào nhìn thấy được chữ “tình” ngây thơ và non trẻ từ đôi mắt to tròn long lanh của người thiếu nữ.

Báo cáo nội dung vi phạm
Ẩn quảng cáo

Nhận xét về Bao Nhiêu Hy Vọng, Bấy Nhiêu Thương Đau

Số ký tự: 0